Kinh nghiệm "bò sữa": 4 cách đơn giản giúp gọi sữa mẹ về nhanh và nhiều
- heartfrommarley
- Mar 14, 2023
- 12 min read
Mình đã định gộp chung phần này vào bài viết về những sai lầm khi sử dụng và bảo quản sữa mẹ. Nhưng không ngờ riêng nội dung đó đã quá dài. Nên mình dành hẳn một bài viết riêng để chia sẻ vài kinh nghiệm cá nhân liên quan đến cách cải thiện mẹ luôn là vấn đề "đau đáu" của bất kỳ mẹ bỉm nào.
Không thể phủ nhận vai trò quan trọng của sữa mẹ đối với sự phát triển của con trẻ trong những năm tháng đầu đời. Tổ chức Y tế Thế giới WHO khuyến cáo cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời và nên duy trì sữa mẹ trong những năm tháng tiếp theo (cùng với những thực phẩm thích hợp khác) cho tới lúc trẻ được 2 tuổi. Bởi thế trong hầu hết các quảng cáo sữa chúng ta thường thấy trên tivi luôn có một câu disclaimer: "Sữa mẹ là tốt nhất cho sức khỏe, và sự phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ."
Trừ trường hợp bạn không thể nuôi con bằng sữa mẹ (do sức khỏe, thể chất, đang điều trị bệnh, đang dùng thuốc có chỉ định của bác sĩ…), hoặc bạn lựa chọn không nuôi con bằng sữa mẹ - người mẹ nào cũng mong muốn, và sẽ cố gắng thử nhiều cách để mang đến cho con dòng sữa mẹ tốt nhất.
Vì những lý do đó, mình muốn dành bài viết này vừa để chia sẻ câu chuyện nuôi con bằng sữa mẹ của bản thân, vừa hy vọng bạn sẽ tìm thấy những kinh nghiệm, tips hữu ích áp dụng cho chính mình.
Nếu bạn cũng có những kinh nghiệm riêng muốn chia sẻ về chủ đề này, đừng ngần ngại comment phía dưới bài viết nhé. Mình và độc giả của Heart From Marley rất chào đón những tâm sự của bạn.
Giờ thì hãy cùng mình đi vào nội dung chính nha.
Mục lục
Mình đã thử cách nào để tăng lượng sữa?
1. Chăm kích sữa hay ít nhất - hút sữa đều
Thành thực mà nói, mình không phải người quá cần mẫn, chăm chỉ trong vấn đề nuôi con bằng sữa mẹ. Từ lúc sinh bé Trứng cho đến lúc ngừng sữa mẹ khi Trứng được 11 tháng, hầu như mình chỉ duy trì hút 4 cữ/ngày. Ít khi hút được tới 6 cữ/ngày như rất nhiều mẹ bỉm sữa chịu khó khác.
Thậm chí, tầm 2 tháng sau sinh, mình bận rộn cho việc chuyển chỗ ở, có mấy ngày còn quên cả hút sữa. Sau đợt đó, lượng sữa của mình sụt hẳn, mất đi 200-300ml/ngày. Mình đâm hoảng loạn, tưởng mất sữa hẳn. Cũng hỏi bạn bè rồi tra cứu thông tin khắp nơi xem phải làm sao.
Chắc bạn cũng đoán được, không có cách nào khác là phải kích sữa lại từ đầu. Mình cố gắng đẩy thêm được một cữ nữa là 5 cữ/ngày. Sau một vài tuần, lượng sữa đã quay trở lại như ban đầu.
Mình đoán cơ địa mình cũng thuộc dạng nhiều sữa. Sau sinh khoảng gần 1 tuần, dù không kích sữa, mình cũng hút được tầm 700ml/ngày. Tuy nhiên, vì lười kích sữa, nên lượng sữa luôn luôn chỉ duy trì ở mức đó thôi. Không bao giờ lên tới 1000 hay 2000ml/ngày như một số mẹ khoe nhờ chăm chỉ kích sữa.
Vậy nên, từ bài học cá nhân của mình, cũng như từ kinh nghiệm của rất nhiều mẹ bỉm sữa khác, bạn có thể đúc kết rằng: cách hiệu quả nhất để tăng sản lượng sữa mẹ là chăm kích sữa.
Nếu bạn không thể hút chằn chặn đúng 3-4 tiếng/lần, 6 cữ/ngày, ít nhất hãy đảm bảo hút đều số cữ mỗi ngày. Đó là kinh nghiệm mình học được từ chị Loan (Love@1stshine). Số cữ trong ngày quan trọng hơn khoảng cách giữa các cữ.
Ví dụ cữ đầu tiên trong ngày bạn hút lúc 7h sáng. Hôm sau bạn mệt, dậy muộn hơn chút, bạn có thể hút lúc 8h sáng. Các cữ khác trong ngày điều chỉnh lùi giờ hoặc rút ngắn khoảng cách theo đó. Miễn là số cữ trong ngày hôm đó vẫn đảm bảo đủ như hôm qua.
Bạn có thể thấy, mình hút 4 cữ/ngày. Và thời gian các cữ trong ngày có thể chênh lệch giữa hôm qua, hôm nay, các hôm, tùy theo lịch trình từng hôm của mình. Nhưng bằng mọi cách mình vẫn cố gắng đạt đủ "KPI" 4 cữ/ngày. Nhờ thế, lượng sữa của mình cũng được duy trì đều đặn.
Nếu bạn chăm chỉ hơn mình, duy trì được số cữ cách đều giờ nhau (ví dụ mỗi 3 tiếng/lần) và tăng số cữ trong ngày (6 cữ/ngày là lý tưởng). Thì chắc chắn một ngày nào đó bạn sẽ bất ngờ khi nhìn vào đống bịch trữ sữa chất đầy ắp trong tủ đông của bé.
Mình đã thấy rất nhiều mẹ làm được điều đó. Những bạn bè xung quanh mình, những mẹ chia sẻ trong các hội nhóm, vlog… Rất nhiều người chia sẻ thành quả công cuộc từ tráng bình cho đến hai bình hút sữa đầy tràn tới miệng. Lắng nghe câu chuyện của các mẹ, nhìn những hình ảnh khoe bình hút, tủ trữ sữa… có lẽ bạn cũng cảm thấy giống mình, vừa ngưỡng mộ vừa có chút ghen tị nữa.
Đằng sau những hình ảnh và chia sẻ đầy tự hào đó, không phải lúc nào cũng là những dễ dàng. Nhiều mẹ phải đánh đổi bằng những đêm thiếu ngủ, những lúc bụng đói, tạm gác lại vài phút cà phê cùng bạn bè để tranh thủ làm "nhiệm vụ bò sữa". Nhiều mẹ còn đánh đổi bằng nước mắt, thậm chí là máu khi những cơn tắc sữa, nứt cổ gà… hành hạ. Tất cả chỉ vì hy vọng con được hưởng trọn vẹn nguồn dinh dưỡng quý giá nhất từ sữa mẹ.
Chúng ta, những người mẹ, có thể đến từ những hoàn cảnh rất khác nhau. Nhưng đều gặp gỡ ở giao điểm thương yêu con. Hãy lấy những câu chuyện và chia sẻ của những người mẹ tuyệt vời xung quanh chúng ta làm điểm tựa và động lực bạn nhé!
2. Uống nhiều nước ấm/nóng
Một tips nghe rất đơn giản mà các mẹ thường truyền nhau là uống nhiều nước ấm. "Cơ chế hoạt động" của tips này cũng đơn giản không kém.
Đó là vì trong sữa mẹ có tới hơn 80% là nước. Nên uống nhiều nước sẽ giúp tăng "nguyên vật liệu đầu vào" để tăng số lượng "đầu ra".
Còn vì sao phải là nước ấm không phải thường hay lạnh, thì nhiệt độ ấm giúp lưu thông khí huyết tốt hơn. Từ đó cũng hỗ trợ "đầu ra" dễ dàng hơn. Tương tự như tips chườm ấm (một số bệnh viện có chiếu đèn hồng ngoại) vùng ngực một vài phút trước hút sữa giúp xuống sữa tốt hơn.
Bonus 1: Có nên dùng trà/cốm/bột lợi sữa?
Bên cạnh việc uống nước lọc ấm thường xuyên, bạn cũng có thể thử các loại trà/cốm/bột lợi sữa. Chúng có thể được xem như một cách thay đổi khẩu vị, giúp bạn uống nước "ngon miệng" hơn. (Vì cũng có nhiều bạn bình thường không có thói quen uống nước lọc, mà phải uống nước có mùi vị. Uống nước lọc "chay" dễ có cảm giác buồn nôn…)
Mình có xem một vlog của chị Diệp (Love@1stshine), trong đó nhắc tới cốm lợi sữa. Nếu mình nhớ không nhầm, chị Diệp có nói đại ý rằng có thể bản thân những loại cốm này không có tác dụng lợi sữa, mà việc sử dụng chúng sẽ giúp bạn uống nhiều nước hơn, vì bạn phải pha cốm cùng với nước.
Vì thế, chị Diệp cũng nói rằng, bạn dùng loại cốm lợi sữa nào không quá quan trọng (vì chúng cũng hoạt động theo cùng cách thức). Chỉ cần lưu ý chọn những sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh, chất lượng, xuất xứ rõ ràng, thương hiệu tin cậy.
(Thông cảm vì mình không nhớ nội dung này nằm chính xác trong video nào của chị Diệp. Video đó mình xem cũng khá lâu, có lẽ từ khoảng năm 2020, 2021 gì đó nhớ không nhầm. Nếu bạn biết thì hãy comment phía dưới bài viết giúp mình và các độc giả khác tham khảo nha. Cảm ơn bạn!)
Bản thân mình không dùng bất kỳ loại trà/cốm/bột lợi sữa nào nên ở đây mình sẽ không gợi ý cụ thể sản phẩm nào cả. Nhưng bạn có thể dễ dàng tìm kiếm trên mạng, các trang thương mại điện tử và các cửa hàng chuyên đồ mẹ và bé.
Như chị Diệp có nói, nếu công dụng thực sự của việc dùng các loại trà/cốm/bột lợi sữa này là giúp bạn uống nhiều nước hơn. Thì bạn có thể lựa chọn bất kỳ thương hiệu nào bạn thích và tin tưởng về chất lượng. Còn có thể về mặt hiệu quả thì các loại cũng tương đương nhau, không khác biệt quá nhiều.
Bonus 2: Sữa, sữa bầu, sữa hạt, sữa đặc có đường có tác dụng không?
Một "đặc quyền" mình rất thích khi còn bầu bé Trứng là được uống sữa bầu. Mình dùng sữa bầu liên tục từ khi mang thai tuần thứ 6 đến sau sinh khoảng 3 tháng. Thời gian đầu mình uống Frisomum Gold. Mình đã thử cả hai vị là vani và cam và đều thấy ngon, dễ uống.
Uống Frisomum tầm 3 - 4 lon loại 900g thì mình đổi sang Morinaga. Dòng sữa này thì quá nổi tiếng với các mẹ bầu rồi. Sữa bầu Morinaga có ba vị: matcha (hộp xanh), trà sữa (hộp hồng) và cà phê (hộp vàng nâu). Mẹ hoàn toàn yên tâm vì đó chỉ là mùi vị để sữa thơm ngon và dễ uống hơn, chứ trong sữa không chứa caffein hay chất kích thích gì.
Hồi bầu mình sợ nhất vị matcha. Mỗi lần uống là cảm thấy mùi ngai ngái buồn nôn. Đến lúc sinh xong thì không còn thấy khó uống, thậm chí còn ngon nữa. Mới đầu, bạn có thể mua cả 3 vị để thử xem thích vị nào nhất. Uống lâu lâu đổi sang vị khác cũng ok.
Một số shop online trên các trang thương mại điện tử có bán gói lẻ để thử. Nhưng mình khuyến khích các bạn nên mua ở các cửa hàng mẹ và bé hoặc đồ Nhật nhập khẩu chính hãng. Ví dụ lúc trước mình hay mua ở Sakuko hoặc Soc&Brothers.
Bản thân mình thấy cả Frisomum và Morinaga đều là dòng sữa bầu vào con ít vào mẹ. Trong khoảng 5 tháng đầu của thai kỳ, mình hầu như không tăng cân. Mà bé Trứng trong bụng vẫn phát triển đều theo tiêu chuẩn. Đến khi lên bàn sinh, cân nặng của mình là 66 kg, tăng 12kg so với trước khi mang bầu. Bé Trứng lúc ra đời được 3,4kg.
Vậy, quay trở lại câu hỏi: uống sữa bầu có tác dụng hay không? Mình xin phép trả lời rằng sữa bầu có hiệu quả với mình. Hiệu quả mình thấy ở những mặt sau:
Duy trì được dinh dưỡng tối thiểu trong giai đoạn ốm nghén. Ba tháng đầu mang thai mình rất mệt mỏi và kén ăn. Hầu như mỗi tối đều uống sữa bầu thay cơm. Nếu không có sữa bầu, chắc mình khó vượt qua giai đoạn đó mà vẫn duy trì được sự phát triển đều đặn của em bé trong bụng.
Duy trì sự phát triển ổn định của em bé trong cả thai kỳ. Bên cạnh dinh dưỡng chính từ các bữa ăn hàng ngày, sữa bầu cũng giúp mình bổ sung thêm dinh dưỡng. Đặc biệt là những hôm chán ăn, ăn kém. Uống thêm cốc sữa bầu là mình cảm thấy yên tâm không sợ "thiếu chất". Có lẽ nhờ vậy mà mình tăng cân vừa phải trong khi bé Trứng vẫn phát triển cân nặng ổn.
Tạo nền tảng tốt cho việc "sản xuất" sữa mẹ sau này. Mình từng đọc ở đâu đó rằng thể trạng và chất lượng sữa mẹ sau sinh phần lớn phụ thuộc vào chế độ dinh dưỡng trong quá trình mang thai. Nói cách khác, trong lúc mang bầu bạn "tẩm bổ" tốt (chứ không phải "nhiều", "nhiều" chưa chắc đã "tốt"), thì sau khi sinh bạn có khả năng tạo được nguồn sữa mẹ dồi dào và chất lượng hơn. Mình nghĩ điều đó đúng với mình. Và mình có để ý một số bạn bè xung quanh thì cũng thấy có sự tương quan giữa việc bổ sung dinh dưỡng với sản lượng, chất lượng sữa mẹ.
Tất nhiên, thể trạng của mẹ và bé, tình trạng sữa mẹ còn ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác. Và cũng rất đa dạng với từng người. Những điều mình đưa ra chỉ là gợi ý, và nó hiệu quả với trường hợp của mình. Bạn có thể xem như một kênh tham khảo để có thêm thông tin khi cần.
Nếu không thích hoặc không thể uống sữa bầu, bạn có thể cân nhắc sữa tươi tiệt trùng (đảm bảo hơn sữa thanh trùng) hoặc sữa hạt. Mình thì vẫn uống xen kẽ các loại sữa này với sữa bầu trong cả thai kỳ và sau khi sinh.
Nếu bạn thuộc trường hợp đặc biệt, ví dụ như dị ứng lactose, tốt nhất bạn nên làm theo chỉ định của bác sĩ, người theo dõi sức khỏe cho bạn. Hỏi bác sĩ tư vấn về việc có nên uống sữa hoặc bổ sung bất kỳ thực phẩm/dinh dưỡng nào khác không.

3. Ăn cháo nóng
Ăn cháo nóng cũng có tác dụng tương tự như uống nước ấm mình đã chia sẻ ở trên. Ngay cả bạn ăn canh, súp hay cơm nóng gì đó cũng vậy. Miễn là ấm nóng thì rất tốt cho cơ thể sản phụ sau sinh.
Suốt 1 tháng đầu sau sinh, ngày nào mình cũng ăn 2 bát cháo vào bữa sáng và bữa phụ lúc trưa chiều. Cháo thì thay đổi tùy từng bữa. Có lúc nấu với thịt lợn, có lúc nấu với các loại hạt… Nhưng chủ yếu nấu bằng gạo tẻ và cháo xay nhuyễn hoàn toàn. Những lúc ăn xong thường sữa sẽ về. Thì cũng là đến đúng cữ hút của mình luôn.
Sang tháng thứ 2, mình không ăn cháo nữa. Lượng sữa cũng giảm hơn so với tháng đầu. Cũng có thể do vướng vào đợt mình không hút sữa đều như đã kể với bạn ở trên. Dù ít hay nhiều, mình vẫn thấy việc ăn cháo nóng có tác dụng lợi sữa với bản thân mình.
4. Ăn đu đủ xanh
Một mẹo “truyền đời” của các mẹ nữa mà mình cũng thử đó là ăn đu đủ xanh. Mình ăn theo cách rất đơn giản là nấu canh đu đủ xanh với thịt lợn (thịt băm, thịt miếng), có hôm chỉ nấu với nước dùng xương. Một tuần ăn khoảng 2 - 3 lần. Mỗi lần 1 - 2 lưng bát tô đựng canh.
Bản thân đu đủ xanh vị khá nhạt nhẽo. Nhưng ăn cùng với nước dùng và thịt mình thấy cũng không quá khó ăn, không thấy quá chán như nhiều mẹ “rì viu”. Chắc có thể đợt đó sinh xong mất sức mà mình ăn tương đối tốt chăng :))
Không biết có phải do tác dụng của “ám thị” hay không, mình thấy những hôm ăn đu đủ xanh thì sữa nhiều và sánh vàng hơn. Có lẽ đu đủ xanh thực sự có hiệu quả lợi sữa với mình. Đặc biệt khi kết hợp cùng các phương pháp khác mà mình nói trong bài: ăn cháo, uống nhiều nước ấm, uống sữa bầu, hút sữa đều.
Ăn cháo, ăn đu đủ xanh, ăn móng giò, ăn chân dê, chân chó… Rất nhiều món ăn lợi sữa theo dân gian mà chắc chắn bạn đã nghe qua các bà các mẹ “gợi ý”. Mình không thử tất cả các món. Và mình cũng chỉ ăn, chỉ thử những gì mình cảm thấy ăn được, ăn ngon.
Mình nghĩ đó cũng là yếu tố quan trọng nhất. Dù bạn thử cách nào, ăn món gì, làm điều gì, bạn cũng phải cảm thấy vui vẻ. Khi ăn cảm thấy ngon miệng, khi làm cảm thấy tự nguyện, thoải mái. Nếu tâm trạng gượng ép, miễn cưỡng, không thấy ngon mà vẫn phải ăn, không muốn làm mà vẫn phải làm… thì bạn hãy dừng lại và thử cách khác.
Dù làm mọi thứ vì con, cũng nên suy nghĩ và ưu tiên cho bản thân. Bởi vì, chỉ khi bạn cảm thấy thực sự dễ chịu trong lòng, bạn mới tận hưởng được cảm giác làm mẹ và mới có thể chăm sóc con một cách tốt nhất.
Kết
Túm lại, riêng về vấn đề làm sao để mẹ nhiều sữa, sữa mẹ tốt, thì có đủ phương pháp, cách làm, đến "mẹo" các mẹ lưu truyền nhau. Bài viết này chỉ nếu ra 4 cách mà mình đã áp dụng thực tế và cảm thấy có kết quả. Bạn có thể tham khảo cùng nhiều cách khác nữa để xem cái gì phù hợp, hiệu quả nhất với bạn.
Dù bạn chọn làm thế nào, chỉ cần luôn nhớ một điều: lựa chọn đó phải khiến bạn thoải mái và tận hưởng niềm vui làm mẹ. Làm mẹ, không có đúng hay sai tuyệt đối, chỉ có điều gì phù hợp và không phù hợp với bạn và con.
Bạn nghĩ sao về những chia sẻ của mình trong bài viết? Bạn đã thử những cách làm nào để tăng lượng sữa mẹ? Có cách làm nào khiến bạn tâm đắc. Đừng ngần ngại chia sẻ với mình và các mẹ sữa khác trong phần bình luận dưới bài viết nhé. Hãy cùng sẻ chia, học hỏi để trở thành những người mẹ thông thái và hạnh phúc dù lựa chọn nuôi con theo bất cứ cách nào.
Cảm ơn bạn đã dành thời gian tại Heart From Marley. Hẹn gặp bạn trong những bài viết khác trên blog.
Chúc bạn một ngày bình an!
From Marley with heart
*Bản quyền bài viết thuộc về tác giả. Bạn vui lòng ghi rõ nguồn nếu muốn đăng tải hoặc trích dẫn một phần hoặc toàn bộ bài viết. Chi tiết về bản quyền xem tại đây.
Comments