Cú sốc tuần thứ 36: Chuyện chưa kể về chứng liệt dây thần kinh số VII (liệt mặt) thai kỳ
- heartfrommarley
- Mar 9, 2024
- 13 min read
Liệt dây thần kinh số VII (liệt mặt), tuy không phải tình trạng quá nguy hiểm nhưng gây nhiều phiền toái trong sinh hoạt hàng ngày. Phụ nữ mang thai hoặc vừa sinh xong lại là một trong những đối tượng dễ gặp phải tình trạng này nhất.
Là một người không may mắn bị liệt mặt trong lúc mang bầu, mình ở đây để chia sẻ với bạn một số trải nghiệm và kinh nghiệm mình đúc rút ra được. Bạn có thể phòng tránh được chứng bệnh này, hay ít nhất giảm di chứng đáng tiếc, nếu bạn biết sớm những điều sau.
Mục lục:
Sai lầm #2 và #3
“Cú twist” không mong đợi đúng tuần thứ 36
Sau hơn 35 tuần bầu bí trộm vía khỏe mạnh, đúng vào tuần đầu tiên sau khi xin phép nghỉ thai sản sớm, một biến cố bất ngờ ập đến ngoài sức tưởng tượng. Mình bị liệt dây thần kinh số VII ngoại biên (liệt mặt).
Hôm đó là thứ bảy cuối tuần, mình có lịch khám thai định kỳ. Thai đã vào tuần thứ 36, một mốc rất quan trọng. Sáng ngủ dậy, mình uống một cốc nước ấm như mọi ngày. Nhưng hôm đó không hiểu sao mình không ngậm được ngụm nước trong miệng.
Nước cứ tự động nhỏ giọt ri rỉ từ khóe miệng bên phải. Mình soi gương thì thấy khóe phải môi dưới hơi phồng lên bất thường. Tuy vậy, lúc đó mình cũng không để tâm nhiều lắm vì tưởng là bị sưng do nhiệt ở môi.
Vì vậy, lúc tới viện khám thai theo lịch hẹn, mình không đề cập đến hiện tượng đó với bác sĩ. Khi đó Covid rất căng nên ai cũng bắt buộc đeo khẩu trang, bác sĩ lại càng không trông thấy gương mặt mình để hỏi bệnh.
Trưa cùng ngày, mình về nhà ăn cơm với mẹ. Trong lúc nói chuyện, mình bắt đầu thấy bất thường khi phát âm một vài từ, cảm thấy miệng cứng hơn mọi khi. Soi gương lại, mình thấy miệng không tròn khi chúm môi thổi hơi. Đồng thời, mắt bên phải cũng cử động chậm hơn mắt trái và không thể khép chặt. Mẹ mình mới bảo rằng có thể mình đã bị liệt dây thần kinh số VII rồi.
Cảm giác hoảng sợ và lo lắng ập đến đầu tiên, cùng với đó là rất nhiều câu hỏi tranh nhau kéo đến. Liệt dây thần kinh số VII là bệnh gì, có nguy hiểm không? Tại sao mình lại bị thế này? Có liên quan gì đến thai kỳ và em bé không? Tại sao bị vào đúng lúc này?
Tệ hơn nữa, đúng ngày hôm sau là ngày mình đặt lịch tới studio chụp ảnh bầu. Với tình trạng này chắc chắn ngày mai không thể thực hiện. Thai cũng đã ở tuần 36 rồi, tức là rất khó có cơ hội chuyển sang một buổi chụp khác.
Trong phút chốc, mình cảm thấy một bóng đen u ám dần dần bao trùm lên tâm trạng và kéo dìm mọi cảm xúc…
Hành trình chữa liệt dây thần kinh số VII (liệt mặt) thai kỳ và những sai lầm đánh đổi bằng cả “dung nhan” 😆
Sai lầm thứ nhất: Để tuột mất giai đoạn vàng
Trong lúc hoang mang, mình gọi điện thoại cho bác sĩ thai sản của mình. Bác sĩ bảo mình tới bệnh viện, khoa nội thần kinh khám càng sớm càng tốt. Có lẽ do chuyên môn là sản phụ khoa nên bác sĩ của mình cũng không thể tư vấn sâu thêm được gì khác về vấn đề này.
Mình tiếp tục gọi điện cho một người quen làm trong ngành y tế để hỏi xem có thể giới thiệu giúp mình bác sĩ chuyên khoa nào uy tín trong trường hợp này. Sau khi nghe mình mô tả triệu chứng, người quen của mình nói rằng tạm thời chưa có gì rõ ràng là dấu hiệu của liệt dây thần kinh số VII, cứ để theo dõi thêm xem thế nào, đừng khám xét can thiệp gì vội vì đang là giai đoạn cuối của thai kỳ.
Trước lời khuyên đó, mình thấy rất bối rối và sốt ruột. Vì bản thân mình chắc tới 90% là liệt mặt. Và mình cũng hiểu rằng bệnh này nếu càng để lâu thì càng mất thời gian và càng làm giảm khả năng chữa trị và phục hồi hoàn toàn.
Cả đêm mình ngủ chập chờn, phần vì thai đã to và nặng nề hơn, phần vì rất lo lắng. Mình đã nhắn tin hủy buổi chụp ảnh bầu trong sự nuối tiếc và chán nản tràn trề. Tuy thế, trong thâm tâm, mình vẫn le lói một tia hy vọng rằng mọi thứ không đến nỗi quá tệ, và rằng chỉ cần ngủ một đêm thôi, sáng mai thức giấc mọi thứ sẽ quay trở lại bình thường…
Sáng hôm sau mình dậy sớm, soi gương để kiểm tra liệu có phép màu nào đã đến như mơ ước không. Tất nhiên là KHÔNG! Thậm chí, qua một đêm, tình trạng còn tệ đi trông thấy.
Mình hoàn toàn không thể cử động được toàn bộ nửa mặt bên phải. Giọng nói ngọng hẳn. Mắt bên phải khi nhắm có khe hở rất to lộ nhiều lòng trắng.
Mọi thứ diễn biến nhanh chóng theo chiều hướng xấu đi chỉ trong một thời gian ngắn khiến tâm trạng mình vô cùng tồi tệ. Mình quyết định đi khám ngay và luôn, dù hôm đó là chủ nhật.
Đầu tiên, mình tới một bệnh viện đa khoa quốc tế khá lớn, đăng ký khám khoa nội thần kinh theo lời bác sĩ phụ sản của mình tư vấn. Tuy nhiên hôm đó chủ nhật, chuyên khoa nội thần kinh không có bác sĩ làm việc. Mình phải chuyển sang khám đa khoa thông thường. Bác sĩ khám cho mình thấy thai đã vào tuần 36 - mốc tương đối rủi ro - nên không chỉ định thuốc hay điều trị gì. Kết quả khám lần thứ nhất: FAIL 🙁
Sau đó, mình chạy luôn sang BV phụ sản TW tiếp tục khám. Chắc bạn cũng tưởng tượng được bệnh viên công tuyến trung ương đông đúc thế nào. Hôm đó cuối tuần nhưng mình cũng phải chờ đợi rất rất lâu để được vào khám, chưa kể đã phải mất nhiều thời gian cho việc khai báo y tế từ ngoài cổng, vì lúc đó Covid-19 đang diễn biến phức tạp.
Bác sĩ phụ sản TW ngay khi mình vừa kéo khẩu trang xuống đã khẳng định chắc nịch đúng là liệt dây thần kinh số VII. Bác sĩ khuyên mình lập tức đến viện y học cổ truyền và châm cứu ngay thì còn chữa kịp. Thậm chí bác sĩ còn nhấn mạnh nhiều lần rằng đi ngay chiều hôm đó đi nhé.
Mình có lo lắng hỏi lại rằng châm cứu có ảnh hưởng gì đến em bé hay việc sinh nở không, bác sĩ bảo không, em cứ chữa ngay đi. Đáng tiếc rằng, mình đã không nghe lời bác sĩ mà tiếp tục để lần khần thêm một ngày nữa…
Nếu biết rằng đối với liệt dây thần kinh số VII, mọi sự chậm trễ đều có thể đẩy nhanh diễn tiến của bệnh, kéo dài thời gian chữa trị và làm giảm khả năng hồi phục hoàn toàn, mình chắc chắn đã hành động ngay vào lúc đó mà không đắn đo hay phân vân gì thêm.
Đó là điều mình hối hận nhất, cũng là bài học đáng tiếc nhất mình nhận được từ sự cố này. Vì vậy, mình thực sự mong tất cả những ai không may rơi vào hoàn cảnh tương tự có thể rút kinh nghiệm từ câu chuyện của mình.
Tuy nhiên, sai lầm của mình chưa dừng lại ở đó….
Sai lầm thứ hai và thứ ba: Quá trình chữa trị thêm nhiều trì hoãn
Phải tới sáng thứ hai tuần sau, tức là 48h sau khi phát hiện triệu chứng rõ ràng đầu tiên là ngậm nước không chặt, mình mới bắt đầu làm châm cứu.
Trong khoảng 1 tuần liền, mình cứ bắt xe đi xe về tới một bệnh viện y học cổ truyền, khai báo y tế các kiểu rồi thực hiện vật lý trị liệu (gồm điện châm, hơ ngải cứu, chiếu đèn hồng ngoại, xoa bóp phục hồi cơ mặt).
Lúc này, Covid-19 bùng phát ổ dịch lớn tại một vài tỉnh. Rất nhiều y bác sĩ từ các bệnh viện được điều động đến hỗ trợ tại các vùng dịch. Nên việc ra vào bệnh viện thường xuyên khi đó cũng tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm lớn.
Tâm lý hoang mang lo sợ trước dịch bệnh lấn át nỗi lo lắng về tình trạng liệt mặt, khiến mình đưa ra quyết định sai lầm thứ hai: tự ngừng điều trị tại bệnh viện!
Tuy không đến bệnh viện, mình bắt đầu tìm người nhận chữa tại nhà. Tình cờ khi đó có một người quen của mẹ mình (lại người quen 😂) biết chuyện của mình và giới thiệu người biết bấm huyệt chữa liệt mặt(?)
Mình bấu víu vào cái phao đầu tiên đó vì tin tưởng người quen và tin lời cam kết chữa nhanh chóng - dứt điểm của họ. Và cái kết chắc bạn cũng đoán được.
Sau 10 ngày chữa bằng phương pháp bấm huyệt, tình trạng của mình không cải thiện dù chỉ một chút! Ngoài mất tiền và mất thời gian vô ích, mình và em bé trong bụng còn phải chịu đau rất nhiều.
Mỗi lần bấm huyệt, mình phải tự nhủ thầm trong đầu nói chuyện với con bởi mình tin rằng con cũng cảm nhận được cơn đau từ trong bụng… Và đó, sai lầm thứ ba của mình diễn ra như thế.
Cuối cùng, mình phải quay về với phương pháp chữa trị của bệnh viện y học cổ truyền: châm cứu kết hợp tập luyện phục hồi cơ mặt. Tuy nhiên mình cũng chỉ kịp chữa thêm 3 ngày vì sau đó là ngày mình lên bàn mổ để đón bé Trứng ra đời.
Mình có hỏi bác sĩ sản của mình bao lâu sau khi sinh có thể tiếp tục điều trị bằng châm cứu. Bác sĩ bảo chỉ khoảng 1 - 2 tháng thấy cơ thể phục hồi là được.
Không may, mùa hè năm 2021 là giai đoạn đỉnh điểm của Covid-19. Lệnh giãn cách áp dụng tại nhiều nơi trong đó có Hà Nội. Việc điều trị của mình lại tiếp tục phải trì hoãn tới khoảng cuối tháng 10/2021 (gần 6 tháng sau khi mình bắt đầu bị liệt mặt).

3 lời khuyên dành cho bạn không may mắc liệt dây thần kinh số VII (liệt mặt) thai kỳ
Liệt dây thần kinh số VII (liệt mặt) không phải hiện tượng hiếm gặp ở phụ nữ nhất là phụ nữ mang thai và sau khi sinh, do cơ thể rất dễ nhiễm lạnh. Điều này phải sau khi bị rồi mình mới biết, nhờ nói chuyện và chia sẻ với mọi người xung quanh.
Liệt mặt không quá nguy hiểm đến tính mạng, nhưng gây nhiều phiền toái trong sinh hoạt (khó nhai, khó uống nước, khó nói chuyện, chảy nhiều nước mắt do không thể khép chặt mắt…). Và đặc biệt, ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý khi ngoại hình của bạn bị thay đổi, gây mất tự tin trong tiếp xúc với mọi người.
Ngoài ra, nếu không nhanh chóng điều trị trong vòng 1 đến 3 tháng đầu sau khi khởi phát, liệt mặt có thể kéo dài, khó phục hồi nguyên trạng và để lại di chứng thẩm mỹ. Đây chính là trường hợp của mình, vì đã trì hoãn việc chữa trị đến gần 6 tháng.
Cho tới tận thời điểm mình ngồi gõ những dòng này, tức là đã gần 3 năm sau khi bị liệt dây thần kinh số VII, di chứng thẩm mỹ vẫn còn tồn tại. Mỗi khi mỉm cười, chu môi hoặc nhướn lông mày, có thể thấy rõ sự mất cân đối giữa hai nửa mặt trái - phải. Hay khi phồng miệng lên thì bên mắt phải bị híp lại. Khu vực quanh hốc tai phải - cổ - gáy của mình cũng rất nhạy cảm với gió. Khi ra ngoài trời hay đứng trước quạt, điều hòa, mình luôn phải che chắn tai và gáy. Nếu không bị gió lùa rất đau tai và cảm lạnh ngay.
Tổng kết lại, mình xin chia sẻ với bạn 3 lời khuyên bản thân mình rút ra sau khi trải qua những tháng ngày “dở khóc dở cười” với chứng liệt mặt. Hy vọng có thể giúp ích cho bạn hoặc người thân của bạn không may gặp phải tình trạng không mong muốn này.
#1 Lập tức đi khám và điều trị tại những cơ sở khám chữa bệnh uy tín ngay khi thấy những dấu hiệu liệt mặt đầu tiên, tốt nhất trong vòng 1 đến 3 tháng sau khởi phát
Một số dấu hiệu ban đầu (như trường hợp của mình) có thể là:
Ù tai, có tiếng vo ve trong tai, nhạy cảm với âm thanh lớn (Mình xuất hiện dấu hiệu này đầu tiên, sau đó khoảng 5 - 7 ngày mới liệt mặt. Ban đầu định đi khám tai mũi họng vì ù tai rất khó chịu. Nhưng rồi chủ quan và lười nên lần lữa không đi thì đã chuyển sang liệt mặt luôn.)
Uống nước, đánh răng thấy khác lạ, khó khăn bình thường.
Ngậm nước không chặt, không súc miệng được.
Ăn uống bị rơi rớt, thức ăn kẹt vào góc hàm.
Mắt không thể khép chặt.
Bất kỳ triệu chứng bất thường nào khác của cơ thể.
Không nên lơ là bỏ qua bất cứ dấu hiệu nào dù là nhỏ nhất. Bạn cũng nên lưu ý tìm đến những cơ sở y tế lớn, uy tín, được cấp phép, tốt nhất là tới các bệnh viện, để bác sĩ thăm khám, điều trị kịp thời.
Tránh những cách chữa mẹo hay không chính thống do những người thực hiện không có chuyên môn hoặc chưa được cấp phép (như cách bấm huyệt kiểu “lang băm” mà mình vừa kể trên).
#2 Tuân thủ triệt để việc điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ và chăm chỉ luyện tập phục hồi cơ mặt mọi lúc mọi nơi
Việc điều trị liệt mặt có thể kéo dài vài tuần đến vài tháng tùy mức độ và giai đoạn của bệnh. Như trường hợp của mình tổng thời gian chữa khoảng 2 tháng, nhưng không phục hồi hoàn toàn được do mình để lỡ giai đoạn vàng. Còn hầu hết những trường hợp mình quen biết đều được chữa khỏi hoàn toàn về trạng thái ban đầu.
Dù thời gian chữa trị lâu có thể khiến bạn sốt ruột, chán nản, hãy thật kiên trì và tuân thủ triệt để hướng dẫn điều trị của bác sĩ nhé. Nếu không có lý do gì quá đặc biệt hay quan trọng thì bạn hãy cố duy trì việc chữa trị cho tới lúc hồi phục hẳn, đừng bỏ dở giữa chừng hay trì hoãn như mình nha.
Một lời khuyên nữa cho bạn là hãy luyện tập cơ mặt thật nhiều. Sau khi bị liệt mặt, mình mới biết rằng có rất nhiều cơ trên mặt chúng ta ít sử dụng tới. Bạn hãy cố gắng luyện tập toàn bộ các cơ trên mặt bằng cách làm thật nhiều biểu cảm đa dạng, tập nhai và cử động hàm nhiều (ví dụ như há to miệng, chu môi dài, nhướn cao lông mày, nhai kẹo cao su, nhai thịt dai…). Lý tưởng nhất là tập trước gương để biết được phần cơ mặt nào của mình đang có vấn đề và tập trung hồi phục phần đó.
Bạn có thể tham khảo các “bài tập phục hồi cơ mặt” bằng cách search từ khóa này trên Google hoặc Youtube. Càng chịu khó tập luyện thêm tại nhà, khi kết hợp với việc điều trị tại bệnh viện sẽ giúp bạn càng hồi phục nhanh và không để lại di chứng.
#3 Luôn giữ ấm cơ thể, không để bị nhiễm lạnh
Nếu có tìm hiểu chắc bạn cũng nghe bệnh liệt mặt dân gian gọi nôm na là "trúng gió". Tất nhiên có nhiều nguyên nhân gây ra liệt dây thần kinh số VII ngoại biên và “gió” hay nhiễm lạnh chỉ là một trong số đó. Tuy nhiên, đối với phụ nữ, nhất là phụ nữ mang thai hoặc vừa mới sinh con, thì nhiễm lạnh là nguyên nhân phổ biến trước.
Vì thế, phụ nữ hãy chú ý giữ ấm cơ thể, đặc biệt những vùng trọng yếu như cổ gáy, bụng, thận, bàn chân…, dù mùa đông hay mùa hè. Cố gắng ăn uống đồ nóng ấm, hạn chế đồ lạnh… Cơ thể ấm đại diện cho chức năng sinh lý khỏe mạnh của phụ nữ.
Trở lại với câu chuyện của mình. Trước khi có dấu hiệu sớm là ù tai, thì trong một thời gian mình thường xuyên tắm sau 8 giờ tối (khi đó mình bầu ở tam cá nguyệt thứ ba). Cũng trong giai đoạn đó, nhiều lần mình cảm nhận được hơi gió điều hòa thốc vào sau gáy đến nổi da gà những lúc đi thang máy. Và ngay trước hôm bị liệt mặt mình còn uống một cốc coca siêu nhiều đá lạnh buốt chân răng!
Nói thế để bạn lưu ý rằng, có những lúc trong giai đoạn bầu bí, chúng mình nhận thấy thể trạng trộm vía rất tốt, thậm chí khỏe hơn khi không có bầu. Tuy nhiên, sức khỏe là thứ không bao giờ nên chủ quan và phung phí. Nhất là mẹ bầu, mẹ bỉm sữa, sức khỏe của chúng mình còn liên quan trực tiếp đến con và cả gia đình.
Vậy nên, hãy luôn yêu thương và bảo vệ bản thân mình trước, để có thể trọn vẹn yêu thương và bảo vệ cả những người quan trọng nhất với chúng mình.
Lời kết
Liệt dây thần kinh số VII (liệt mặt) ảnh hưởng trực tiếp đến thẩm mỹ và chức năng cơ mặt, chắc chắn gây rất nhiều phiền toái cho cuộc sống sinh hoạt và giao tiếp thường ngày. Nó còn tác động lớn tới tinh thần, tâm lý, thậm chí gây ra trầm cảm. Mình đã trải qua những điều đó nên rất hiểu nó khó khăn đến nhường nào.
Nhưng dù thế nào, chỉ cần bạn có niềm tin và sự lạc quan, chữa trị đúng cách và dành nhiều thời gian nghỉ ngơi, chăm sóc bản thân, chắc chắn bạn sẽ phục hồi hoàn toàn, lấy lại được gương mặt xinh đẹp như cũ.
Nếu không may bạn bị liệt mặt trong thai kỳ giống mình, hãy nói chuyện thật nhiều với em bé trong bụng. Kể cho bé nghe những gì bạn đang trải qua, rằng hành trình để hai mẹ con đến với nhau chẳng dễ dàng chút nào nhưng bạn đã nỗ lực và dũng cảm thế nào để vượt qua, và rằng hai mẹ con chắc chắn cũng sẽ cùng nhau vượt qua trở ngại này. Em bé của bạn sẽ tiếp thêm cho bạn rất nhiều sức mạnh và năng lượng tích cực đó.
Vậy là bài viết khá dài mang nhiều tâm huyết của mình đã kết thúc tại đây. Viết nhiều như vậy, mình chỉ hy vọng có thể giúp ích phần nào đó cho những ai đang cần sự sẻ chia, thấu hiểu và truyền động lực.
Còn bạn, bạn từng có trải nghiệm hay câu chuyện nào liên quan đến vấn đề này chưa? Hãy chia sẻ với mình và mọi người trong phần comment bên dưới nhé.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi hay yêu cầu nào, đừng ngần ngại liên hệ với mình nhé. Có thể mình phản hồi hơi chậm, nhưng chắc chắn sẽ phản hồi bạn.
Hẹn gặp bạn trong các bài viết khác tại Heart From Marley.
Chúc bạn một ngày bình an!
From Marley with heart
Bài viết có tham khảo một số thông tin từ các nguồn sau:
*Bản quyền bài viết thuộc về tác giả. Bạn vui lòng ghi rõ nguồn nếu muốn đăng tải hoặc trích dẫn một phần hoặc toàn bộ bài viết. Hãy ủng hộ tác giả bằng cách chia sẻ link bài viết. Chi tiết về bản quyền xem tại đây.
コメント