top of page

Sữa mẹ sao cho tốt nhất? 6 sai lầm cần tránh khi sử dụng và bảo quản sữa mẹ

  • Writer: heartfrommarley
    heartfrommarley
  • Mar 7, 2023
  • 11 min read


Chào bạn. Mừng bạn quay trở lại với blog Heart From Marley.

Bài viết hôm nay là bài viết mình đã trì hoãn rất nhiều lần. Dù mình biết rằng nó rất quan trọng và thiết thực để chia sẻ với bạn. Lý do của sự trì hoãn bắt nguồn từ cảm giác hối hận.


Đúng vậy, mỗi lần nhắc tới vấn đề sữa mẹ, mình lại cảm thấy nhói lòng. Khi nhận ra mình đã từng là người mẹ kém hiểu biết tới mức nào, để con mình không được hưởng những dòng sữa mẹ chất lượng nhất. Mình đã buồn và tiếc nuối rất nhiều. Khi nhận ra bản thân đã để lãng phí nguồn thức ăn quý giá nhất của con – sữa mẹ, chỉ vì sự kém hiểu biết ấy.


Bởi thế, mình càng mong rằng, sẽ không có thêm người mẹ nào phải cảm thấy tiếc nuối và tội lỗi với con, vì thiếu kiến thức như mình.


Bài viết này tổng kết những kinh nghiệm thực sự “xương máu” của mình. Hy vọng những bài học đau lòng này của mình sẽ hữu ích với bạn trong quá trình nuôi con bằng sữa mẹ. Và giúp bạn tránh đi vào vết xe đổ đầy hối tiếc của mình.


Mục lục


Sai lầm #1. Cho con ăn sữa cũ, cất sữa mới


Đây là một trong những sai lầm rất ngớ ngẩn của mình. Đó là việc mình thường xuyên đem cất (trữ đông) sữa mới vắt và lấy sữa đã trữ đông từ trước cho con ăn. Mình cứ liên tục vắt – đem cất tủ đá – lấy một túi khác trong tủ đá ra dùng. Mình làm điều đó như một cái máy. Trong đầu chưa bao giờ xuất hiện suy nghĩ làm như vậy có gì đó không ổn không.


Cho tới một hôm, chị tắm bé đến tắm cho Trứng, để ý thấy mình vừa vắt sữa xong liền đem đi trữ đông, trong khi sắp tới giờ ăn của Trứng. Chị liền bảo:


"Sao em không cho con ăn luôn sữa mới vắt? Có sữa mới tội gì phải ăn sữa trữ đông."


Câu nói ấy như tiếng sét đánh trúng khiến mình giật thót. Ừ nhỉ. Một điều tưởng như hiển nhiên đến thế, tại sao mình chưa bao giờ để ý, chưa bao giờ nhận ra. Vậy là suốt 3 tháng đầu đời, bé Trứng không được hưởng những dòng sữa mẹ chất lượng nhất.


Không cần nói có lẽ bạn cũng hiểu được cảm giác của mình. Tiếc nuối, xót xa, hối hận, áy náy, thương con rất nhiều.


Ngay cả người lớn cũng vậy thôi. Ăn đồ tươi sống chẳng phải luôn ngon lành và bổ dưỡng hơn đồ đông lạnh đó sao? Cớ gì lại để con, em bé mới sinh còn rất non nớt và yếu đuối về thể chất, ăn sữa trữ đông mãi như vậy?


Chẳng hiểu sao tới lúc ấy mình mới nhận ra điều vô cùng quan trọng đó.


Thật sự cảm ơn chị tắm bé có tâm ấy rất nhiều. Không có chị, rất có thể bé Trứng còn phải ăn sữa trữ đông đến tận lúc cai sữa mẹ :’(


→ Tips 1: Luôn cho con ăn sữa mới. Chỉ khi nào quá thừa mới nghĩ tới việc trữ đông.

Sai lầm #2. Di chuyển nhiều, không trữ trong ngăn riêng


Suốt từ lúc Trứng mới sinh đến khi bé khoảng 6 tháng tuổi là giai đoạn mình phải di chuyển nhiều từ nơi này sang nơi nọ. Và những chiếc bịch chứa sữa mẹ trữ đông cũng cứ thế rồng rắn theo mình từ nhà nọ tới nhà kia.


Tháng đầu tiên Trứng ở nhà ông bà nội. Nhà ông bà nội không có tủ đông riêng biệt, và ngăn đá tủ lạnh cũng chứa quá nhiều thức ăn, không còn chỗ để bảo quản sữa. Nên mình phải đem sữa sang nhà riêng, cất vào ngăn đá tủ lạnh. Nhà riêng khi đó vừa thi công xong, mình chưa dọn về ở ngay. Mọi thứ còn mới tinh, chưa sử dụng gì, kể cả tủ lạnh.


Sau đó Trứng sang ở với ông bà ngoại. Mình lại phải đem toàn bộ chỗ sữa từ tủ lạnh nhà riêng chuyển đến nhà ông bà ngoài. May là nhà ông bà ngoài có tủ trữ đông riêng (loại tủ dung tích lớn bạn thường thấy ở các hàng tạp hóa dùng để đựng kem, sữa chua…).


Trong tủ đông ở nhà ông bà, mặc dù mình cũng đã bỏ các túi sữa vào hộp nhựa đậy kín, rồi cũng cho vào mấy lớp túi bọc khác nữa. Nhưng mình lại tiếp tục ngớ ngẩn khi không dành hẳn một khoang tủ riêng cho sữa mẹ. Mà vẫn đặt chung cạnh các loại đồ ăn.


May mắn, thời gian ở lại nhà ông bà ngoại khá lâu. Nên Trứng cũng đã dùng gần hết chỗ sữa mẹ trữ đông đó. Chỉ còn lại khoảng chục bịch sữa, sau này mình lại đem theo lúc chuyển về nhà riêng.


Lần đó là dọn hẳn về nhà riêng rồi, mấy bịch sữa không còn phải trôi dạt về đâu theo mình nữa. Tuy nhiên vì sữa trữ cũng đã lâu (khoảng 12 tháng), và những bịch đó là những bịch bị mang đi mang về nhiều nhất.


Quá trình di chuyển nhiều, lại không sử dụng túi giữ nhiệt, hộp đựng chuyên dụng, đá khô. Sữa đang từ môi trường đông lạnh tiếp xúc với nhiệt độ thường, rồi lại đông lạnh. Chắc chắn chất lượng không thể bảo đảm như ban đầu.


Tiếc thì tiếc thực sự. Vì những bịch sữa đó được hút khoảng 1 tháng sau sinh (mình có ghi rõ ngày tháng) - thời điểm mình nhiều sữa và sữa đặc nhất. Nhưng đem ra cho con ăn thì không nỡ, không yên tâm.


Vậy là mình phải bỏ đi hơn chục lít sữa, như bạn thấy trong hình dưới nè :( Đó là điều buồn nhất, tiếc nuối nhất, hối hận nhất của mình trong quá trình nuôi con bằng sữa mẹ.


sai lầm khi sử dụng và bảo quản sữa mẹ, bảo quản và sử dụng sữa mẹ đúng cách
Khóc một dòng sông :(( đừng mắc sai lầm ngok ngek tai hại như mình nha :(

Đó cũng là lý do mình khuyên các bạn tránh sai lầm #1#6. Đừng rơi vào tâm lý “để dành” và lạm dụng trữ đông như mình. Ngoài ra, nếu có điều kiện, bạn có thể cân nhắc mua một chiếc tủ lạnh hoặc tủ đông riêng chứa sữa mẹ cho con.


→ Tips 2: Bảo quản sữa trong tủ lạnh, tủ đông riêng hoặc ngăn trữ đông riêng biệt. Không nên di chuyển sữa nhiều giữa môi trường lạnh và môi trường thường.

Sai lầm #3. Hâm sữa trực tiếp bằng nước nóng


Thêm một điều ngớ ngẩn mình làm mà không hiểu tại sao lại có thể ngớ ngẩn đến thế: hâm sữa lạnh trực tiếp bằng nước nóng.


Tức là mình đã làm thế này: Đổ sữa mẹ đã rã đông trong tủ lạnh vào bình ăn của con. Rồi ngay lập tức ngâm bình sữa đó vào nước nóng (khoảng 70-80 độ C).


Bạn biết mình đã sai ở đâu không?


Tuyệt đối không hâm nóng sữa mẹ bằng cách ngâm trực tiếp vào nước nóng như vậy. Sự thay đổi nhiệt độ đột ngột (từ nhiệt độ tủ lạnh tới nhiệt độ nước nóng) với mức chênh lệch lớn như vậy làm hỏng kết cấu của sữa mẹ, khiến sữa mẹ bị biến chất.


Thay vào đó, cách hâm sữa mẹ đúng là?


Bạn hãy hâm nóng dần từ nhiệt độ thấp lên cao. Bắt đầu với nước lạnh, vài phút sau thêm chút nước ấm, rồi chờ vài phút thay nước nóng hơn.


Hoặc tiện lợi và đơn giản nhất là dùng máy hâm sữa. Thả bình sữa vào máy rồi điều chỉnh tới mức 37 hoặc 40 độ C. Máy sẽ làm nóng từ từ, không gây ảnh hưởng tới chất lượng sữa mẹ.


Ngoài ra, việc hâm sữa bằng lò vi sóng cũng được khuyến cáo không nên. Vì lò vi sóng làm sữa nóng không đều, dễ gây bỏng cho bé.


Bật mí với bạn là ngay từ đầu mình đã có sẵn máy hâm sữa (được bạn mình tặng). Nhưng không hiểu sao không hề lấy ra dùng?! Mà cứ thực hiện việc ngâm sữa sai cách như thế trong vô thức. Cho đến khi Trứng được 4 - 5 tháng tuổi mình mới phát hiện ra là sai!


Thực sự đến giờ vẫn không lý giải nổi nguyên nhân của sự mất não đó. Chỉ vô cùng cảm thấy buồn và có lỗi với Trứng. Vì sự kém hiểu biết của mẹ đã khiến con không thể tiếp cận được nguồn thức ăn/dinh dưỡng chất lượng nhất.


→ Tips 3: Cách làm nóng sữa mẹ tốt nhất và an toàn nhất là dùng máy hâm sữa.

Sai lầm #4. Dồn sữa sai cách: sữa nóng sữa lạnh, dồn quá nhiều trên mức ăn một cữ của con

Ngoài hâm sữa sai cách, mình còn làm một điều sai lầm nữa là đổ chung sữa vừa hút vào sữa đang cất trong tủ lạnh.


Đây là điều không nên. Vì chênh lệch nhiệt độ giữa sữa mẹ mới hút và sữa đang cất trong ngăn mát tủ lạnh cũng khiến chất lượng sữa bị ảnh hưởng.


Vậy nếu muốn dồn sữa đúng cách thì nên làm thế nào?


Bạn hãy đựng phần sữa trong mỗi cữ hút vào một bình chứa riêng. Sau đó, tới cuối ngày, khi tất cả chỗ sữa đó đều đã ổn định ở cùng một nhiệt độ trong tủ lạnh, bạn mới có thể đổ chung tất cả vào túi trữ sữa, hoặc một bình to hơn tùy ý.


Tóm lại, đối với sữa mẹ, nguyên tắc là tránh mọi tác nhân gây ra chênh lệch nhiệt độ đột ngột.


Ngoài ra, bạn cũng nên lưu ý đến mức ăn của con để dồn sữa cho phù hợp. Ví dụ mỗi cữ con ăn được 150 - 200ml thì sữa dồn chỉ đến mức đó thôi. Chứ như mình trước đây thường dồn một thể tới 300ml. Trong khi bé Trứng ăn tương đối kém, hầu như chỉ 100ml mỗi cữ.

Dồn quá nhiều như thế, mỗi lần ăn lại đổ ra từ túi trữ sữa ra một ít rồi cất chỗ còn lại đi. Mình thấy không hay bằng việc dùng hết hoàn toàn một bịch sữa cho đủ một cữ ăn. Tuy nhiên, điều này cũng phụ thuộc vào thói quen và ý muốn của mỗi người. Bạn cứ tham khảo sao cho phù hợp với con và bản thân.


Một điều ngoài lề mình muốn lưu ý với bạn. Tuyệt đối không trữ đông ngược lại một khi đã rã đông sữa. Sữa đã rã đông rồi, để trong ngăn mát tủ lạnh được 48h, buộc phải dùng hết hoặc bỏ đi. Không chỉ sữa mẹ, điều này cũng áp dụng với bất kỳ loại thực phẩm nào khác (thịt, cá…)


→ Tips 4: Không đổ chung sữa mới hút vào sữa trong tủ lạnh. Sữa đã rã đông không được trữ đông lại.

Sai lầm #5. Không chọn túi trữ sữa chất lượng


Túi trữ sữa cũng là một yếu tố quan trọng trong việc bảo quản và sử dụng sữa mẹ. Bởi đây là yếu tố tiếp xúc trực tiếp với sữa mẹ trong thời gian dài, và có nhiệm vụ bảo vệ sữa mẹ khỏi những tác động từ bên ngoài.


Một chiếc túi trữ sữa mẹ lý tưởng là chiếc túi:

  • Được làm từ vật liệu an toàn

  • Được cung cấp từ nhà sản xuất uy tín, có thể truy xuất nguồn gốc rõ ràng

  • Được chứng nhận và bảo đảm chất lượng

Vì thế, hãy luôn chọn những thương hiệu lớn về chăm sóc sức khỏe cho mẹ và bé. Ví dụ như: Medela, Fatz, Sinaloh... Đồng thời, bạn nên đặt mua chính hãng, hoặc từ những nhà bán lẻ uy tín. Để tránh mua phải hàng giả, hàng nhái…


Trước đây, mình hoàn toàn không có kinh nghiệm và hiểu biết. Nên đã mua những loại túi trữ sữa không rõ nguồn gốc xuất xứ từ các shop ngẫu nhiên trên các trang thương mại điện tử.


Khi đó, mình không hề ý thức được rằng, những chiếc túi trữ sữa chất lượng kém, không an toàn có thể gây hại cho sức khỏe của con đến thế nào. Nó cũng tương tự như việc bạn sử dụng đồ nhựa kém chất lượng đựng thực phẩm. Chẳng khác nào đưa thuốc độc vào người.


Nhưng tới lúc mình nhận thức được như thế thì cũng đã muộn. Vì Trứng cai sữa mẹ khá sớm. Càng nghĩ càng thương con, tội nghiệp con rất nhiều. Nhưng không thể thay đổi hay làm lại điều gì nữa.


Bởi thế, chia sẻ những điều này, mình rất mong không có thêm người mẹ và em bé nào phải rơi vào những câu chuyện đáng tiếc như mình nữa.


→ Tips 5: Sử dụng túi trữ sữa chất lượng, đảm bảo an toàn từ những thương hiệu uy tín, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Sai lầm #6. Thần thánh hóa việc hút và trữ sữa


Nếu có thể quay ngược thời gian, mình sẽ cố thử với việc cho bé Trứng ti mẹ trực tiếp. Trước khi nghĩ tới việc hút sữa, trữ sữa.


Mình không rõ tại sao, mình lại quá ám ảnh với việc hút sữa và tích cho thật nhiều sữa đến vậy. Ngay từ khi chuẩn bị sinh, mình đã luôn coi việc trữ sữa là điều hiển nhiên. Như kiểu sữa vắt ra là để trữ đông. Thay vì để cho con ăn. Và phải cố gắng tích cho thật nhiều sữa. Một tủ đầy sữa đông như thể một thành tích hay niềm tự hào của người mẹ.


Đúng là nếu bạn thực sự có nhiều sữa đến vậy (quá nhiều con không ăn hết), thì việc trữ sữa hoàn toàn nên làm. Và bạn cũng hoàn toàn có quyền tự hào về chiếc tủ đông đầy ắp sữa mẹ ấy.


Nhưng với trường hợp như của mình, sữa chỉ vừa đủ cho con ăn trong ngày. Thì việc ưu tiên không phải tích trữ. Mà là những bữa ăn chất lượng cho con.


Mình đã không ý thức được điều quan trọng đó. Và đã sai như thế.


Sau lời nhắc của chị tắm bé, mình luôn cho Trứng ăn sữa mới vắt. Sữa mình cũng chỉ vừa đủ lượng ăn một ngày của bé (Trứng có dặm thêm 1 bữa sữa công thức). Nên từ đó cũng không dư ra nhiều để trữ đông.


Và mình cũng nghĩ, nếu không quá dư sữa thì không nhất thiết phải trữ đông làm gì. Sữa mẹ mới vắt có thể bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh tới 48h. Nếu vượt quá khoảng thời gian đó con chưa dùng tới, mới nghĩ đến chuyện trữ đông.


Việc trữ đông đôi khi không thể đảm bảo vệ sinh 100%. Đổ từ bình vắt ra túi, khóa túi, cất vào tủ trữ đông, từ tủ trữ đông chuyển ra tủ mát, từ tủ mát đem ra hâm sữa, đổ sữa khỏi túi… Nhiều công đoạn bao giờ cũng dễ kèm theo rủi ro hơn. So với việc bạn đậy nắp bình vắt cất thẳng vào ngăn mát. Hoặc đổ trực tiếp ra bình cho con ăn luôn.


Tóm lại, ưu tiên trước hết việc cho con ti mẹ trực tiếp. Nếu bé không ti kiệt, mẹ dùng máy hút sạch và cho con ăn tiếp phần sữa đó. Hoặc bé bú một bên, mẹ hút bên còn lại.


Nếu vì lý do nào đó, bạn ưu tiên việc hút sữa cho con ti bình hơn ti mẹ trực tiếp, chỉ cần tránh rơi vào những sai lầm như mình đã nói. Đồng thời, hãy tìm hiểu thật kỹ và thành thạo vấn đề bảo quản, vệ sinh, sử dụng sữa mẹ sau khi hút, sữa mẹ trữ đông…


Ở đây, mình không phản đối việc hút sữa, trữ sữa. Bất kỳ phương pháp nào hiệu quả với bạn và em bé của bạn đều là phương pháp tốt. Mình chỉ muốn nói rằng dù làm gì cũng hãy tìm hiểu thật kỹ và làm đúng cách.

Chỉ cần bạn có kiến thức, có hiểu biết và tin tưởng vào bản thân, lựa chọn nuôi con theo cách nào, hoàn toàn do bạn quyết định.


Kết


Hy vọng những chia sẻ trên đây phần nào giúp bạn có thêm kiến thức về sữa mẹ, cũng như bảo quản và sử dụng sữa mẹ đúng cách. Mục đích cuối cùng là làm sao tận dụng được tối đa giá trị của sữa mẹ - nguồn dinh dưỡng sẵn có và vô cùng quý giá đối với mỗi em bé.


Bạn có suy nghĩ hay kinh nghiệm nào khác muốn chia sẻ sau khi đọc bài viết không? Hay cho mình biết trong phần comment bên dưới nhé. Nếu bạn thấy bài viết hay và hữu ích, đừng quên chia sẻ cho bạn bè và người thân để lan tỏa giá trị đến với mọi người.


Cảm ơn bạn đã đồng hành cùng Heart From Marley. Hẹn gặp bạn trong những bài viết khác trên blog.


Chúc bạn một ngày bình an!


From Marley with heart


*Bản quyền bài viết thuộc về tác giả. Bạn vui lòng ghi rõ nguồn nếu muốn đăng tải hoặc trích dẫn một phần hoặc toàn bộ bài viết. Chi tiết về bản quyền xem tại đây.

Comments

Rated 0 out of 5 stars.
No ratings yet

Add a rating

HEART FROM MARLEY

a blog for modern mamas & women

©2024 by Heart From Marley

bottom of page