top of page

Tips soạn đồ đi sinh: Thời điểm tốt nhất? Nên và không nên mang gì? (Checklist đồ đi sinh 2024)

  • Writer: heartfrommarley
    heartfrommarley
  • Dec 5, 2022
  • 6 min read

Updated: Feb 20, 2024



Bắt đầu sang tam cá nguyệt thứ ba là lúc bạn sắp bước vào những tuần cuối của thai kỳ. Mong chờ, hạnh phúc, hồi hộp, bồn chồn, lo lắng là những cảm xúc đan xen trong bạn lúc này. Bạn cũng bắt đầu nghĩ tới chuyện mua sắm đồ đạc cho em bé và chuẩn bị dần túi đồ đi sinh.


Nếu bỗng nhiên bạn cảm thấy hoang mang không biết bắt đầu từ đâu, hãy dừng lại một chút đọc bài viết này cùng mình. Ý tưởng về bài viết này đến với mình khi một người bạn đang mang thai ở tháng thứ 7 hỏi mình bạn ấy nên bắt đầu chuẩn bị những gì. Vì vậy, bài viết hôm nay cũng dành cho bạn, người may mắn sắp làm mẹ, sắp được gặp thiên thần nhỏ bé bạn đã chờ đợi từ rất lâu.


Bài viết này đề cập cụ thể tới danh sách đồ bạn mang theo khi đi sinh - những đồ cần có trong túi đồ đi sinh của bạn (hospital bag items). Còn danh sách toàn bộ những đồ cần sắm cho mẹ và bé trước sinh, mình sẽ đề cập trong một bài viết khác.


Giờ thì bắt đầu cũng mình nhé!


Mục lục


Thời điểm tốt nhất để chuẩn bị đồ đi sinh?


Nếu không gì bất thường, từ tuần 36 của thai kỳ trở đi, mẹ có thể sinh bất cứ lúc nào. Vì vậy cần sẵn sàng cho tình huống khẩn cấp từ trước thời điểm bạn bước vào tuần 36. Dĩ nhiên, người mẹ nào cũng muốn con ra đời đủ ngày đủ tháng. Nhưng điều mình muốn nói ở đây là có sự chuẩn bị trước và chủ động bao giờ cũng tốt hơn. Riêng chuyện sinh nở thì chẳng ai biết trước được điều gì.


Mình nghĩ thời điểm lý tưởng để bắt đầu chuẩn bị đồ đi sinh là tuần 35. Bạn sẽ có thêm thời gian để rà soát, kiểm tra, thêm hoặc bớt đồ theo tình hình thực tế. Tránh tình trạng nước đến chân mới nhảy, gấp gáp, vội vàng rồi lại quên nọ quên kia.


Muộn nhất là tuần 38 bạn nên chuẩn bị xong túi đồ đi sinh. Càng gần ngày sinh, cơ thể bạn càng nặng nề, mệt mỏi, ngại việc. Và em bé của bạn có thể đòi ra gặp bố mẹ ngay lập tức vào đúng lúc bạn không ngờ nhất! Không thiếu những trường hợp mẹ chuyển dạ từ tuần 36 37 trong khi còn chưa kịp soạn túi đồ đi sinh. Vậy nên, càng chuẩn bị sớm bạn càng có thời gian thảnh thơi, bớt lo lắng và tránh rơi vào tình thế bị động.


Tóm lại, tùy vào tình trạng sức khỏe của bạn và em bé, thời điểm lý tưởng để bạn chuẩn bị đồ đi sinh là 35 - 38 tuần.

Đồ đi sinh mang bao nhiêu là đủ?


Mình nghĩ không có quy chuẩn nào cho việc mang những đồ gì, mang bao nhiêu đồ thì đủ. Bởi điều đó phụ thuộc vào từng hoàn cảnh, từng điều kiện.


Có những gia đình thích cơ động, có khả năng chạy ra chạy vào bệnh viện nhiều lần để tiếp tế thì không nhất thiết phải mang theo ti tỉ đồ từ A đến Z. Nhưng nếu bệnh viện bạn chọn sinh ở xa nhà, bạn không có điều kiện được người nhà ra vào thường xuyên, hay trong trường hợp việc di chuyển gặp nhiều hạn chế như đợt dịch Covid-19 vừa rồi, thì việc trang bị chu đáo hành lý đi sinh lại trở nên quan trọng, nhất là nếu bạn phải đi sinh một mình.


Bên cạnh đó, bạn sinh ở bệnh viện công cũng khác bạn sinh ở bệnh viện tư. Viện công tuy không cung cấp nhiều tiện nghi về đồ dùng cá nhân cho mẹ và bé như viện tư. Nhưng trong khuôn viên bệnh viện cũng có siêu thị mini hay cửa hàng tạp hóa. Ở một số bệnh viện, quanh khu vực cổng viện còn có nhiều hãng bán đồ mẹ và bé.


Dựa trên kinh nghiệm cá nhân, mình thiên về hướng không mang quá nhiều đồ. Lý do là vì trong cái đống lỉnh kỉnh hành lý mình mang vào viện, mình sử dụng chưa tới 30% số đồ mang theo - dù mình sinh mổ và nằm viện 4 ngày.


Tiếc rằng lúc đó mình không chụp lại ảnh kỷ niệm để cho bạn thấy. Nhưng mình nhớ đồ đi sinh của mình gồm 1 túi xách du lịch, 1 túi đeo vai Medela (đi kèm trong bộ máy hút sữa Medela Pump In Style mình mua) và 1 balo loại đựng laptop. Túi nào túi nấy đều béo căng đồ đạc 😅


Đương nhiên, một phần quan trọng cũng do mình sinh ở viện tư (mình đăng ký sinh trọn gói từ tuần 32 tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh). Nên gần như mọi đồ dùng thiết yếu sau khi sinh cho mẹ và bé đều được bệnh viện cung cấp đủ cho số ngày nằm viện. Chỉ có bỉm của bé Trứng là mình phải dùng thêm vài cái mình mang theo dự phòng. Nhưng nếu giả sử có sinh ở bệnh viện công, mình vẫn nghĩ đống đồ mình mang theo sẽ thừa nhiều thứ.


Tựu chung lại, tất cả những checklist đồ đi sinh mà bạn xem được ở đâu đó - ngay cả tại blog này - đều chỉ có tính chất tham khảo. Bạn có thể điều chỉnh thêm bớt tùy theo nhu cầu, mong muốn và điều kiện cá nhân.


Mình thấy thời đại 4.0 như bây giờ, cần mua sắm gấp món đồ gì đó đã tiện lợi, nhanh chóng hơn rất nhiều, không khó khăn như trước. Sinh nở là hành trình không ai nói đơn giản, nhưng so với các bà các mẹ ngày ấy, thế hệ chúng mình đã sướng hơn rất nhiều, với đủ thứ hỗ trợ và tiện nghi mọi lúc mọi nơi. Tội gì không tận dụng để giảm bớt sự vất vả cho bản thân và biến sinh nở trở thành hành trình dễ chịu hơn.


Pack đồ đi sinh không khác pack đồ đi du lịch mấy. Ngoài những món bắt buộc phải có là giấy tờ tùy thân, tiền mặt và thẻ thanh toán, thì những đồ khác mang theo hay không, mang nhiều hay ít do bạn lựa chọn. Chuẩn bị thế nào cũng được, miễn là:


Thứ nhất, bản thân bạn cảm thấy yên tâm, thoải mái và sẵn sàng;
Thứ hai, hành lý gọn gàng, tiện di chuyển.

Về việc pack đồ đi sinh, bạn chỉ cần nhớ 2 gạch đầu dòng đó là được.


Checklist đồ đi sinh: mẹ bầu chuẩn bị đồ đi sinh mang những gì


Gợi ý danh sách đồ đi sinh từ Heart From Marley


Danh sách này mình lập chung cho cả đi sinh ở bệnh viện công và bệnh viện tư. Số lượng mỗi đồ mình không ghi rõ vì còn phụ thuộc vào thời gian nằm viện của bạn và nhiều yếu tố cá nhân khác. Bạn có thể tự cân đối mang theo cho đủ dùng.


Ngay dưới danh sách này là checklist đồ đi sinh mà bạn có thể tải về, in ra để tiện đánh dấu và chuẩn bị đồ dựa theo đó.


TIỀN & GIẤY TỜ

Tiền mặt/Thẻ thanh toán

Một số bệnh viện không chấp nhận thanh toán bằng thẻ, nên bạn cần chuẩn bị sẵn tiền mặt từ nhà, hoặc đến rút tiền tại các cây ATM xung quanh bệnh viện.

Căn cước công dân/Chứng minh nhân dân/Hộ chiếu

Sử dụng căn cước công dân có gắn chip đã tích hợp thẻ bảo hiểm y tế sẽ tiện hơn.

Thẻ bảo hiểm

Có 2 loại là thẻ bảo hiểm y tế và thẻ bảo hiểm sức khỏe.

  • Thẻ bảo hiểm y tế do cơ quan bảo hiểm xã hội Việt Nam cấp. Đây là loại thẻ dạng giấy mềm, có nơi ép plastic. Hiện nay thẻ bảo hiểm y tế đã được tích hợp vào căn cước công dân có gắn chip. Nên nếu bạn đang sử dụng căn cước công dân gắn chip thì không cần mang theo thẻ này nữa.

  • Thẻ bảo hiểm sức khỏe là loại thẻ bằng nhựa cứng, do các công ty bảo hiểm phát hành theo hợp đồng bảo hiểm ký với doanh nghiệp hoặc cá nhân. Nếu công ty bạn đang làm việc có mua thẻ bảo hiểm sức khỏe cho bạn, hoặc bạn đã tự mua thì hãy nhớ mang theo để làm thủ tục thanh toán viện phí nhé.

Sổ hộ khẩu

Tùy từng trường hợp, bệnh viện có thể yêu cầu bạn cung cấp sổ hộ khẩu để làm giấy chứng sinh (khác với giấy khai sinh).

Hồ sơ sinh

Nếu bạn chỉ theo 1 bác sĩ từ đầu thai kỳ cho tới lúc đi sinh, mình nghĩ không nhất thiết đem theo. Vì bác sĩ đã nắm được tình trạng sức khỏe của bạn và em bé. Thậm chí là mình, dù khám nhiều bác sĩ ở nhiều nơi khác nhau, lúc đi sinh mang theo bộ hồ sơ dày cộp đề phòng có gì cần đối chiếu, mà cuối cùng cũng không động đến lần nào. Trừ khi bác sĩ của bạn yêu cầu, mình nghĩ việc có đem theo bộ hồ sơ (gồm tất cả giấy khám thai, xét nghiệm, siêu âm trong suốt thai kỳ) hay không cũng không quá quan trọng.

ĐỒ CHO MẸ



1. TRANG PHỤC

Bộ đồ dài tay dài chân

​Có thể thay bằng váy dài tới mắt cá chân nếu bạn không thích mặc quần. Dù bạn chọn quần áo hay váy, mình khuyến khích bạn mặc những đồ có thể che phủ toàn bộ tay chân.

Như mình sinh vào mùa hè, lúc đó trong tủ quần áo chỉ toàn váy. Lúc soạn đồ đi sinh mình cũng hồn nhiên mang toàn váy. Dù là váy dài nhưng khi ngồi vẫn bị kéo qua bắp chân. Kết quả là mình bị lạnh ống chân và bàn chân cho tới bây giờ.

Áo chống nắng/Áo gió/Áo khoác ấm

Tùy vào mùa và thời tiết khi sinh, bạn chọn mang theo loại áo mặc ngoài cho phù hợp.

Kính râm, khăn choàng, mũ

Dù không thực sự theo trường phái kiêng cữ khắt khe truyền thống, mình nghĩ tự bảo vệ cơ thể và sức khỏe là nên làm. Sau khi sinh, cơ thể bạn dù trước đó khỏe mạnh đến mấy cũng không thể phục hồi nguyên trạng ngay lập tức. Khi cơ thể yếu thì dễ bị khí hàn xâm nhập, đặc biệt là khu vực đầu, cổ, gáy, phía sau tai. Có nhiều phụ nữ mang bầu và sau sinh bị chứng liệt dây thần kinh số VII vì lý do này (trong đó có mình). Vì vậy, một chiếc khăn choàng hoặc mũ che kín được khu vực nhạy cảm quanh đầu và cổ có thể giúp ích cho bạn rất nhiều đấy.

[Chuyện ngoài lề: Mình đã bị mất chiếc kính râm yêu thích vào hôm hai mẹ con xuất viện về nhà :(]

Tất chân

Lúc mới từ phòng mổ ra mình rất lạnh và phải nhờ người nhà xỏ tất vào chân hộ thì mới thấy đỡ hơn một chút. Bàn chân có rất nhiều huyệt trọng yếu. Đôi khi chỉ cần giữ ấm bàn chân, cả cơ thể bạn cũng cảm thấy ấm hơn.

Áo lót cho con bú

Bạn mang áo lót bầu cũng được. Nhưng áo cho con bú sẽ có phần ngực áo mở ra đóng vào tiện cho việc cho bé bú hơn.

Quần lót giấy

Mình nghĩ đây là item rất cần cho bạn ít nhất trong 2 tuần đầu sau sinh. Thường thì quần lót thay ra mình sẽ giặt tay luôn chứ không cho vào máy. Nhưng tháng đầu tiên sau khi sinh bé Trứng, công việc đơn giản hàng ngày ấy bỗng trở thành một nhiệm vụ đáng ngại. Nếu bạn không có ai giúp đỡ khi mới sinh (đặc biệt là trong thời gian sản dịch còn ra nhiều), thì sử dụng quần lót giấy thay cho quần lót thường là một gợi ý đáng cân nhắc. Vừa giúp bạn tiết kiệm thời gian giặt giũ, vừa hạn chế tiếp xúc nhiều với nước và xà phòng/hóa chất giặt tẩy. Dù thực lòng mà nói, sản phẩm này không được thân thiện với môi trường lắm 🙁.

2. HÓA MỸ PHẨM

Băng vệ sinh / Tã thấm sản dịch

Loại phổ biến nhất là băng vệ sinh mama của Diana - mình cũng dùng loại này lúc mới sinh.

Ngoài ra bạn có thể dùng tã dành cho người lớn Caryn. Hoặc mình thấy có loại băng vệ sinh dạng quần Sensi của Diana khá tiện. Thiết kế 2 trong 1 như chiếc quần lót bạn chỉ cần mặc vào, dùng xong thì cởi bỏ vứt đi. Tuy nhiên mua Caryn và Sensi thì bạn phải chú ý chọn vì có nhiều size khác nhau.

Miếng lót thấm sữa

Tùy cơ địa bạn sữa về nhanh hay chậm, nhiều hay ít mà bạn có thể cần hoặc không cần ngay miếng lót thấm sữa. Như trường hợp của mình là không cần. Phải đến khi xuất viện về nhà thì sữa mình mới bắt đầu về ồ ạt. Dù sao bạn cũng không thể biết trước sẽ rơi vào trường hợp nào, nên có thể cân nhắc việc mang theo hoặc không.

Kem trị nứt đầu ti

Nếu bạn phải dùng máy hút sữa để kích sữa như mình trong mấy giờ đầu sau sinh, bạn nên mang theo kem bôi trị nứt đầu ti để đề phòng tổn thương cho vùng ngực nhạy cảm.

Mình dùng loại phổ biến nhất là Purelan của Medela (có tuýp 7g37g). Ngoài ra bạn có thể tham khảo của Palmer’s, earth mama, hay Lansinoh.

Đồ skincare, makeup

Tùy theo thói quen và nhu cầu dưỡng da/trang điểm hàng ngày, bạn hãy chọn mang theo những món đồ thiết yếu nhất. Còn mình, trong 4 ngày nằm viện, thực sự mình không động đến một món nào trong túi đồ skincare mang theo (mình không makeup). Phải đến ngày cuối cùng mình mới dùng ít kem chống nắng trước khi ra viện.

3. THIẾT BỊ

Điện thoại, máy tính bảng, máy quay/chụp ảnh kèm sạc từng loại

Mình biết rằng mới sinh nên hạn chế nhìn nhiều màn hình điện tử. Nhưng thực tế là không giống các bà các mẹ ngày trước, thế hệ chúng mình không thể sống thiếu công nghệ 1 giây. Tuy vậy, nếu bạn hạn chế sử dụng màn hình điện tử được thì quá tốt (có thể thay bằng việc đọc một cuốn sách nhẹ nhàng vui vẻ).

Ngoài ra, mang theo máy quay phim/chụp ảnh, nếu được sự cho phép của bệnh viện và các y bác sĩ, hãy nhờ người thân của bạn hoặc ai đó ghi lại quá trình chuyển dạ và sinh bé. Sau này bé lớn, bạn cho bé xem những bức ảnh và video đó chắc sẽ rất thú vị đấy.

(Mình không có điều kiện ghi lại khoảnh khắc gặp bé Trứng lần đầu nên giờ cũng khá là tiếc.)

Máy hút sữa

Nếu bạn không quá cầu kỳ có thể dùng máy hút sữa trong viện. Vì nếu mang theo máy hút sữa đồng nghĩa mang theo nước rửa bình và cọ rửa hoặc cần có người nhà đem đi đem về vệ sinh giúp. Bạn có thể tìm hiểu trước xem bệnh viện bạn sinh có trang bị máy hút sữa để bạn mượn sử dụng trong thời gian ở viện hay không. Như hồi mình sinh Trứng, bệnh viện có phòng hút sữa riêng cho mẹ, trang bị khá đầy đủ và tiện nghi. Mặc dù mình có đem theo máy hút sữa riêng, nhưng cuối cùng không lấy ra mà dùng luôn máy ở viện cho tiện.

4. ĐỒ ĂN/UỐNG

Sữa bầu/Sữa đặc có đường

Mang theo hoặc không tùy vào sở thích và nhu cầu của bạn. Nếu mục đích là muốn gọi sữa về, bạn có thể uống nhiều nước ấm và ăn cháo nóng cũng được, không nhất thiết xách theo quá nhiều đồ ăn thức uống lỉnh kỉnh.

Lúc đi sinh, mình cũng chuẩn bị hơn chục gói sữa bầu Morigana. Cuối cùng xách về y nguyên không thiếu gói nào 😀.

Cốm lợi sữa

Mang theo tùy vào nhu cầu và sở thích của bạn.

Đồ ăn vặt lành mạnh

Mang theo tùy vào nhu cầu và sở thích của bạn.

ĐỒ CHO BÉ

Miếng lót sơ sinh/Bỉm

Thời gian trong viện, bỉm của Trứng được bệnh viện cung cấp theo tiêu chuẩn 6 hay 8 cái/ngày gì đó mình không nhớ rõ. Chỉ nhớ là mình đã dùng thêm khoảng 4-5 cái mang theo dự phòng (vì chịu khó thay bỉm quá 😝)

Một gợi ý giúp bạn tiết kiệm đó là dùng miếng lót sơ sinh thay cho bỉm trong mấy ngày đầu mới sinh. Dùng miếng lót này thì bạn phải mua thêm tã vải để dán vào. Vì miếng lót thực chất giống như chiếc băng vệ sinh không cánh của các mẹ. Thêm nữa, một số bé ị nhiều có thể bị tràn ra ngoài miếng lót (Trứng là một ví dụ: sau 2-3 lần ị tràn ra quần, mình đành say goodbye với 2 bịch miếng lót mới cứng.)

Giấy khô/Giấy ướt

Giấy khô là loại làm từ vải không dệt mà bạn có thể nhúng nước để dùng vệ sinh cho bé (Mình dùng cho Trứng hãng Likado từ lúc mới sinh cho đến gần 1 tuổi).

Nếu muốn nhanh chóng, bạn có thể dùng luôn giấy ướt cho bé. Nếu thời tiết lạnh bạn hãy làm ấm giấy ướt trước khi lau cho bé nhé. Và nhớ chọn những sản phẩm an toàn, dịu nhẹ, không chứa cồn cho bé sơ sinh.

Khăn sữa

Item chắc chắn phải có. Ngoài dùng cho bé ăn, vỗ ợ cho bé, bạn cũng có thể dùng để thấm sữa mẹ bị chảy.

Quần áo, mũ thóp, bao tay, bao chân


Mình mang theo nhiều quần áo và set mũ thóp - bao tay - bao chân cho Trứng nhưng cũng không dùng đến. Vì hàng ngày ở viện các cô tắm cho bé đều thay bộ đồ sơ sinh full set do viện cung cấp. Hôm ra viện bé cũng mặc luôn bộ đồ mới trong gói quà tặng của bệnh viện.

Nếu bệnh viện của bạn không có sẵn quần áo cho bé thay hàng ngày, bạn hãy tính toán số ngày ở trong viện để mang theo số trang phục phù hợp cho bé.

Khăn quấn/Chũn quấn

Tương tự như quần áo, bệnh viện nơi mình sinh Trứng cũng trang bị luôn khăn quấn bé. (Mỗi lần tắm xong các cô quấn bé siêu gọn và xinh mà mình học mãi không làm được như thế 😂) Bé sơ sinh mấy ngày đầu vẫn chưa quen môi trường ngoài cơ thể mẹ nên chắc chắn không thể thiếu khăn quấn. Nếu bệnh viện không có sẵn bạn hãy mang theo khăn hoặc chũn quấn cho bé nhé.

Chăn ủ

Dùng cho ngày đón bé từ bệnh viện về nhà. Bạn chọn chăn mỏng hay dày tùy vào mùa và thời tiết hôm đó.

Sữa công thức

Mình hiểu rằng bạn mong muốn cho con tiếp cận sữa mẹ ngay từ những ngày đầu mới sinh. Tuy nhiên thực tế không phải lúc nào cũng được như vậy. Nếu chờ quá lâu sữa vẫn chưa về, bạn có thể cân nhắc việc cho bé ăn sữa công thức. Bệnh viện mình sinh bé Trứng có sẵn sữa công thức cho gia đình nào muốn sử dụng cho bé. Nhưng vì mình có mang theo nên đã nhờ các cô y tá pha hộ để Trứng ăn. Phải đến khoảng ngày thứ hai, thứ ba sau sinh mình mới bắt đầu về sữa cho bé bú.


Checklist đồ đi sinh (có thể tải về)

Checklist đồ đi sinh: mẹ bầu chuẩn bị đồ đi sinh mang những gì


Mình hy vọng bài viết này giúp ích cho bạn phần nào trong giai đoạn chuẩn bị đồ đi sinh. Rất vui vì được đồng hành với bạn trong khoảng thời gian hạnh phúc và hồi hộp nhất trên hành trình chào đón bé yêu.

Nếu bạn có câu hỏi nào liên quan tới pack đồ đi sinh, có bí kíp nào muốn chia sẻ, hoặc có câu chuyện hay kỷ niệm nào muốn kể, đừng ngần ngại cho mình biết trong phần comment nhé.


Cảm ơn bạn đã dành thời gian tại Heart From Marley. Chúc cho hành trình gặp thiên thần nhỏ bé của bạn suôn sẻ, mẹ tròn con vuông <3


Hẹn gặp bạn trong những bài viết sắp tới!


From Marley with heart


 

*Bản quyền bài viết thuộc về tác giả. Bạn vui lòng ghi rõ nguồn nếu muốn đăng tải hoặc trích dẫn một phần hoặc toàn bộ bài viết. Chi tiết về bản quyền xem tại đây.

Comentarios

Obtuvo 0 de 5 estrellas.
Aún no hay calificaciones

Agrega una calificación

HEART FROM MARLEY

a blog for modern mamas & women

©2024 by Heart From Marley

bottom of page