top of page

Trầm cảm sau sinh: từ bóng tối đến ánh sáng - Phần 2: Có thể bạn chưa biết

  • Writer: heartfrommarley
    heartfrommarley
  • Feb 15, 2024
  • 9 min read

Updated: Feb 19, 2024




Kỳ trước, mình đã kể với bạn câu chuyện của mình và T. Đó chỉ là hai trong số hàng trăm ngàn ví dụ có thật về trầm cảm sau sinh bắt gặp quanh chúng ta. Và may mắn tới thời điểm hiện tại không để lại nhiều hậu quả tiêu cực. Nhưng thực tế ngoài kia, có bao nhiêu người mẹ và sinh linh bé nhỏ đã, đang và có thể phải chịu những kết cục đáng tiếc vì thiếu kiến thức về trầm cảm sau sinh?


Trầm cảm sau sinh không quá xa lạ. Tuy nhiên, hầu hết mọi người thường xem nhẹ và bỏ qua các dấu hiệu ban đầu, khiến cho tình trạng có thể nhẹ lại diễn tiến nguy hiểm hơn. Từ đó dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. 


Như đã hứa, phần này của bài viết trình bày những thông tin cơ bản nhất cần hiểu về trầm cảm sau sinh. Mình cố gắng diễn giải theo cách đơn giản, trực tiếp để bạn dễ hiểu, dễ ghi nhớ. Trong khi đọc, nếu bạn có thể tự liên tưởng tới hoàn cảnh của chính mình hoặc người thân thì sẽ hữu ích hơn rất nhiều. 


Mục lục:


Disclaimer: Nội dung trong bài mình tổng hợp từ nhiều trang web y khoa trong và ngoài nước. Dù đã cố gắng chắt lọc từ những nguồn chính thống, mình không phải người có chuyên môn y học. Do đó, nếu có thông tin nào chưa thực sự chuẩn xác, thành thật mong bạn thông cảm. Hãy nhắn cho mình để đính chính thông tin đó nếu có thể nhé. Ngoài ra, bài viết cũng không mang tính chất tư vấn y tế thay cho các chỉ định và lời khuyên từ bác sĩ, chuyên gia y tế… Tất cả nội dung đều mang tính tham khảo. Bạn vẫn cần tìm gặp các bác sĩ, chuyên gia y tế, người có trình độ chuyên môn tại những cơ sở y tế chính thống để được thăm khám và điều trị các dấu hiệu bệnh lý trầm cảm. 


dấu hiệu nguyên nhân trầm cảm sau sinh kiến thức cơ bản
Photo by NRD on Unsplash

Khi nào bạn biết mình mắc trầm cảm sau sinh?


Trầm cảm sau sinh (Postpartum Depression – PPD) là tên gọi chung cho tình trạng thay đổi về tâm lý và thể chất ở phụ nữ sau khi sinh con, thể hiện qua những trạng thái cảm xúc và hành vi tiêu cực, bất thường. Thực tế, trầm cảm sau sinh có tới 3 cấp độ, tương ứng với những dấu hiệu và biểu hiện sau đây. 


Baby blues


Hầu hết phụ nữ sau sinh đều trải qua trạng thái “baby blues”. Bác sĩ Trần Thị Huyên Thảo trong cuốn “Chào con! Ba mẹ đã sẵn sàng!” dịch thuật ngữ này là “nỗi buồn khi có bé”.


Baby blues xuất hiện sau khi sinh khoảng 2 - 3 ngày, với các biểu hiện thường thấy là tâm trạng lên xuống thất thường, lo lắng, mệt mỏi. 


Đây là tình trạng khá phổ biến. Có tới khoảng 80% phụ nữ sau sinh gặp tình trạng này. Với tỉ lệ mắc cao như vậy, nhiều phụ nữ không ý thức được mình đang trải qua baby blues. Cho tới khi tình trạng qua đi (thường biến mất tự nhiên trong vòng 2 tuần sau khi khởi phát) và tình cờ được cung cấp kiến thức, họ mới biết mình từng bị trầm cảm thể nhẹ. 


Trầm cảm sau sinh (Postpartum depression)


Khi baby blues kéo dài từ 2 tuần trở lên, nó trở thành trầm cảm sau sinh. Trên thế giới, khoảng 10% phụ nữ sau sinh mắc chứng trầm cảm. Nhưng ở Việt Nam, con số này có thể lên tới hơn 30%.*


Bạn có thể gặp các triệu chứng tương tự như giai đoạn baby blues, bao gồm cảm xúc thất thường, u buồn, trống rỗng, mất niềm tin và động lực. Tuy nhiên, khác với baby blues, trầm cảm sau sinh không biến mất một cách tự nhiên. Nó ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt hằng ngày của bạn, tác động xấu tới tình cảm, mối liên kết giữa bạn và em bé. 


Loạn thần/rối loạn tâm thần sau sinh (Postpartum psychosis)


Đây là cấp độ nguy hiểm nhất với các biểu hiện đặc trưng như hoang tưởng, nghe hoặc nhìn thấy ảo giác, bồn chồn và kích động. Loạn thần/rối loạn tâm thần sau sinh có thể bắt đầu từ khoảng tuần thứ 2 cho tới tháng thứ 3 sau khi sinh. 


Dù nguy hiểm nhưng đây là tình trạng hiếm gặp, với tỉ lệ 4/1000 ca sinh nở. Những người mắc loạn thần sau sinh thường là những bệnh nhân có tiền sử cá nhân hoặc gia đình đã mắc rối loạn lưỡng cực (bipolar disorder) hoặc rối loạn phân liệt cảm xúc (schizoaffective disorder). 


Tại sao bạn mắc trầm cảm sau sinh?


“Tất cả phụ nữ đều có nguy cơ mắc trầm cảm sau sinh.” TS Vũ Thy Cầm - trưởng phòng tâm lý lâm sàng, Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) - chia sẻ tại hội thảo chuyên đề "Sức khỏe tâm thần: Trầm cảm sau sinh" do bệnh viện tổ chức.**

Vậy trầm cảm sau sinh là do đâu? Tuy chưa có kết luận cụ thể về nguyên nhân gây trầm cảm sau sinh, các nhà nghiên cứu cho rằng nó có thể là kết quả của nhiều yếu tố kết hợp. Trong đó, nổi bật là sự thay đổi đột ngột về các yếu tố hóa học, sinh lý và thể chất của người phụ nữ sau khi sinh. 


Nội tiết tố


Theo các tài liệu khoa học, chứng trầm cảm sau sinh có liên quan tới sự sụt giảm các hormones sinh sản nữ (nội tiết tố nữ estrogen và progesterone). Trong quá trình mang thai, nội tiết tố nữ tăng gấp 10 lần để hỗ trợ quá trình thai nghén và sinh nở. Tuy nhiên, chỉ vài ngày hoặc vài giờ đầu sau sinh, nồng độ các hormones này giảm mạnh về mức trước khi mang bầu. 


Bạn có thể hiểu điều này tương tự như tình trạng thay đổi nội tiết tố nữ vào chu kỳ kinh nguyệt hàng tháng, cũng gây ra các xáo trộn về tinh thần, cảm xúc cho chị em phụ nữ. (Như nhiều khi chúng mình vẫn đùa nhau “Đến kỳ à? Sao khó ở thế?”).


Nhưng trong trường hợp của trầm cảm sau sinh, lượng nội tiết tố nữ bị sụt giảm lớn hơn rất nhiều. Vì vậy, nó kéo theo những thay đổi mạnh mẽ hơn nhiều so với tình trạng “khó ở khi đến kỳ”. 


Ngoài estrogen và progesterone, người ta cũng ghi nhận sự sụt giảm các hormones tuyến giáp ở phụ nữ sau sinh. Các hormones tuyến giáp có vai trò thực hiện quá trình trao đổi chất của cơ thể. Thiếu hụt các hormones này cũng gây ra các triệu chứng trầm cảm nói chung. 


Tâm lý


Sự chào đời của một em bé, vốn là sự kiện vô cùng trọng đại, có thể tạo ra rất nhiều thay đổi về mặt cảm xúc, tâm lý, các mối quan hệ xã hội xung quanh người mẹ. Điều dễ hiểu là bạn sẽ cảm thấy choáng ngợp với tất cả những thay đổi lớn đó. 


Có phải bạn (đã từng) cảm thấy:


  • Hoang mang hoặc phiền phức khi giờ giấc sinh hoạt của mình bị đảo lộn so với lúc trước;

  • Khó chịu và thất vọng vì không thể tự do làm điều mình muốn vào lúc mình thích;

  • Thắc mắc, hoài nghi về khả năng làm mẹ, lo lắng mình làm chưa đúng cách, chưa đủ tốt;

  • Mệt mỏi, bực tức khi phải nghe những lời nhận xét, góp ý, thậm chí phê bình của những người xung quanh, cả những người “chả liên quan” ở đâu đâu về cách nuôi con, chăm con;

  • Tủi thân và yếu đuối trước những việc dù nhỏ nhặt...


Ngoài ra, ở một số bà mẹ sau sinh, những lo lắng về ngoại hình cũng xuất hiện. Tăng cân, cơ thể kém thon gọn, rạn da, thâm da, ngực chảy xệ, sẹo mổ đẻ… Nếu như bạn bỗng khóc bù lu bù loa lên vì không còn chui vừa chiếc quần shorts cũ yêu thích thì cũng hoàn toàn bình thường. (Mình cũng hiểu điều đó mà :’(


Những yếu tố bên ngoài đó như đổ thêm dầu vào tinh thần rất nhạy cảm của phụ nữ sau sinh, đôi khi làm bùng lên những cơn cáu kỉnh, giận dỗi… Nhất là khi bạn thiếu sự quan tâm, thấu hiểu từ người đồng hành, gia đình, người thân…


Tóm lại, có rất nhiều tác nhân khiến tâm lý nhạy cảm của các chị em phụ nữ càng trở nên mong manh yếu đuối hơn sau khi đón em bé chào đời. Và tất cả những sự nhạy cảm ấy dù tưởng chừng vô lý đến đâu, theo mình nghĩ, đều nên được coi là hợp lý và đáng được cảm thông. 


Thể trạng


Trong một số trường hợp, các vấn đề thể chất cũng có thể khiến tình trạng trầm cảm trở nên tồi tệ hơn. Bởi sức khỏe thể chất cũng ảnh hưởng tới sức khỏe tinh thần. Khi cơ thể không khỏe mạnh, thường xuyên đau ốm, bạn sẽ khó duy trì được tâm trạng vui vẻ tích cực. 


Thể chất của mẹ sau sinh có thể bị suy giảm nếu như:


  • Mẹ cơ địa ốm yếu, sức đề kháng kém, dễ mắc bệnh;

  • Mẹ thường xuyên thức khuya, thiếu ngủ;

  • Mẹ không có điều kiện hay thời gian ăn uống điều độ, đủ dinh dưỡng; 

  • Mẹ bị thiếu máu, suy nhược cơ thể, đang phải điều trị bệnh mãn tính hoặc cấp tính.


Sinh nở là một cuộc đại phẫu. Cơ thể người phụ nữ phải chịu đựng những cơn đau đớn gấp nhiều lần ngưỡng chịu đựng bình thường, kèm theo nhiều vấn đề về sức khỏe sau sinh. Điều dễ hiểu là thể trạng của bạn có thể giảm sút khá nhiều và yếu hơn sau mỗi lần sinh đẻ. 


Tất cả những thay đổi nói trên, về thể chất, tinh thần, tâm sinh lý… đều có thể tổng hòa tác động mạnh tới người mẹ sau sinh và là nguyên nhân của hội chứng trầm cảm sau sinh. 


Bạn có thể rơi vào nhóm dễ bị tổn thương hơn nếu…


Một số yếu tố có thể khiến nguy cơ trầm cảm sau sinh ở một số mẹ cao hơn các mẹ khác. Bạn cần đặc biệt chú ý tới khả năng mắc trầm cảm sau sinh nếu như:


  • Bạn hoặc người trong gia đình bạn có tiền sử mắc trầm cảm hoặc rối loạn lưỡng cực;

  • Bạn dưới 20 tuổi;

  • Bạn thường xuyên sử dụng đồ uống có cồn hoặc các chất kích thích;

  • Bạn mang thai ngoài ý muốn hoặc không được ủng hộ việc mang thai;

  • Bạn gặp vấn đề về nuôi con bằng sữa mẹ;

  • Bạn phải chăm sóc con một mình;

  • Bạn gặp khó khăn về kinh tế, công việc, sức khỏe, xung đột hôn nhân hoặc mâu thuẫn với người thân;

  • Bạn đã từng không thuận lợi trong những lần mang thai, sinh nở trước đó;

  • Em bé của bạn sinh non, bẩm sinh yếu ớt, dễ mắc bệnh hoặc mang dị tật, cần có chế độ chăm sóc đặc biệt…


BONUS: Bảng tóm tắt đặc trưng 3 cấp độ trầm cảm sau sinh


Baby blues

Trầm cảm sau sinh

Loạn thần/Rối loạn tâm thần sau sinh

Mức độ nghiêm trọng

Thấp

Cao

Rất cao

Mức độ phổ biến

Phổ biến

Ít phổ biến

Hiếm

Thời gian khởi phát/kéo dài

Bắt đầu từ ngày thứ 3 – 5 sau sinh, kéo dài tối đa 2 tuần.

Nối tiếp giai đoạn baby blues, có thể diễn biến tới hàng tháng, hàng năm nếu không được điều trị dứt điểm.

Khoảng 1 – 2 tuần đầu sau sinh, đỉnh điểm là tháng thứ 1 – 3.


- Tâm trạng thay đổi thất thường, lúc vui lúc buồn

- Cảm thấy buồn bã, lo lắng hoặc kiệt sức

- Đột nhiên khóc không lý do, hoặc khóc vì những điều mà bình thường không dễ gây xúc động

- Chán ăn, ăn không ngon

- Gặp vấn đề về giấc ngủ


- Cảm thấy bồn chồn, chán nản

- Tâm trạng u ám, tuyệt vọng hoặc kiệt quệ

- Khóc rất nhiều

- Có ý nghĩ muốn làm hại em bé và/hoặc làm hại bản thân

- Không cảm thấy gắn kết, yêu thương em bé, hoặc cảm thấy xa lạ như con của người khác

- Cảm thấy không còn sức lực, hứng thú, động lực làm điều gì, kể cả những điều trước đây rất yêu thích

- Ăn /ngủ rất ít hoặc ăn/ngủ quá nhiều

- Khó tập trung hoặc khó đưa ra quyết định

- Cảm thấy bản thân vô dụng, tồi tệ hoặc không xứng làm mẹ

- Xa lánh gia đinh, bạn bè, người thân

- Đau đầu, đau bụng hoặc các cơn đau khác dai dẳng

- Thường xuyên cảm thấy lú lẫn, hoang mang

- Gặp ảo giác, hoang tưởng; nghe và/hoặc nhìn thấy những điều không có thật

- Có những suy nghĩ ám ảnh về việc làm hại em bé và/hoặc bản thân

- Không tin tưởng bất kỳ ai, luôn nghĩ rằng có đối tượng muốn làm hại mình và/hoặc em bé

- Tâm trạng thay đổi chỉ trong vài phút (ví dụ: bỗng nhiên khóc dữ dội, rồi ngay lập tức cười không ngừng, cuối cùng là buồn bã tột độ)

- Rối loạn giấc ngủ, không ngủ được dù rất mệt

- Dễ bị kích động, liều lĩnh


Hậu quả

Thường không để lại hậu quả nghiêm trọng do mức độ nhẹ của các biểu hiện.

- Có thể trở thành trầm cảm mãn tính hoặc các bệnh lý tâm thần nghiêm trọng hơn. 

- Ảnh hưởng tới sức khỏe thể chất và tinh thần của mẹ và bé.

- Có thể không kiểm soát được bản thân

- Gây ra những suy nghĩ, hành vi rất bất cẩn, nguy hiểm, đe dọa tính mạng của mẹ và bé

Biện pháp điều trị

Thường sẽ tự khỏi mà không cần điều trị tích cực.

- Trị liệu tâm lý

- Thuốc chống trầm cảm (không ảnh hưởng đến nuôi con bằng sữa mẹ)

Cần được chẩn đoán và chữa trị càng sớm càng tốt. Việc dùng thuốc điều trị là bắt buộc. Nhiều trường hợp cần điều trị nội trú, vì người mẹ mất tỉnh táo, không kiểm soát được hành vi, gây hại cho bản thân, em bé và người xung quanh.


Tạm kết


Trầm cảm sau sinh là vấn đề không mới nhưng cũng chưa bao giờ cũ. Nó có thể xảy ra với bất cứ ai, ở bất kỳ thời điểm nào. 


Sẽ thật đáng buồn nếu chúng ta biết nó có thể xảy ra và gây ra hậu quả gì nhưng vẫn để nó xảy ra. Sẽ đáng tiếc hơn nếu bạn biết mình có khả năng và có thể đã ngăn chặn được những hậu quả đó, dù ít dù nhiều. Và càng đáng tiếc hơn nữa nếu người phải chịu điều không may mắn ấy lại chính là những người bạn, người chị, người em của bạn. 


Vậy, làm sao để những điều đáng buồn hay đáng tiếc đó không xảy đến?


Hãy để ý và quan tâm hơn tới những người xung quanh bạn - những người đang và sẽ làm mẹ. Còn nếu như người đó chính là bạn thì sao? Bạn càng cần phải dành nhiều tình yêu và sự vị tha hơn cho bản thân. 


Trong phần tiếp theo, mình sẽ chia sẻ với bạn một số cách để thể hiện tình yêu với bản thân, từ đó giúp bạn phòng tránh và vượt qua trầm cảm sau sinh dễ dàng hơn. Bạn hãy tiếp tục đón đọc nhé!


Cảm ơn bạn đã dành thời gian tại Heart From Marley. Hẹn gặp bạn ở những bài viết khác. 


Chúc bạn một ngày bình an.


From Marley with heart


**Nguồn tham khảo: https://tuoitre.vn/phu-nu-bi-tram-cam-sau-sinh-50-khong-duoc-chan-doan-20220708084710185.htm#:~:text=T%E1%BA%A1i%20Vi%E1%BB%87t%20Nam%2C%20c%C3%A1c%20nghi%C3%AAn,m%E1%BA%AFc%20tr%E1%BA%A7m%20c%E1%BA%A3m%20sau%20sinh.

 

*Bản quyền bài viết thuộc về tác giả. Bạn vui lòng ghi rõ nguồn nếu muốn đăng tải hoặc trích dẫn một phần hoặc toàn bộ bài viết. Hãy ủng hộ tác giả bằng cách chia sẻ link bài viết. Chi tiết về bản quyền xem tại đây.

Comments

Rated 0 out of 5 stars.
No ratings yet

Add a rating

HEART FROM MARLEY

a blog for modern mamas & women

©2024 by Heart From Marley

bottom of page