Trầm cảm sau sinh: từ bóng tối đến ánh sáng - Phần 1: Câu chuyện thật từ hai người mẹ
- heartfrommarley
- Jan 16, 2024
- 9 min read
Updated: Mar 8, 2024
Như đã hẹn trong bài viết trước, để mở đầu cho loạt bài về chủ đề chăm sóc sức khỏe tinh thần cho phụ nữ, mình lựa chọn viết về trầm cảm sau sinh.
Mình thực hiện bài viết này với hy vọng có thể giúp bạn, những người phụ nữ, những người mẹ, có cái nhìn rõ hơn về trầm cảm sau sinh. Để trong bất kỳ hoàn cảnh nào, bạn cũng đủ kiến thức và bản lĩnh giúp chính mình hoặc giúp những người cần tới bạn.
Phần quan trọng nhất của bài viết này không phải những lý thuyết khô khan bạn có thể tìm thấy ở bất kỳ trang web nào chỉ bằng vài cú nhấp chuột. Cái mình muốn gửi tới bạn và mong rằng bạn sẽ thấy có giá trị là những câu chuyện thật và những suy nghĩ thật của mình về trầm cảm sau sinh. Hy vọng có thể tiếp thêm động lực và chia sẻ sự đồng cảm với bạn nếu bạn đã từng hoặc đang phải trải qua những điều tương tự.
Ngay sau đây là nội dung của Phần 1: Câu chuyện thật từ hai người mẹ. Mời bạn cùng theo dõi.
Mục lục:
Trầm cảm sau sinh: có thể là bạn, chị em của bạn, bạn của bạn, bất cứ ai
Trầm cảm sau sinh không phải điều gì quá xa lạ. Nhưng đôi khi chúng ta xem nhẹ nó đến mức không nhận ra nó hiện diện ngay quanh mình.
Những sự việc thi thoảng bạn bắt gặp trên báo chí mới chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Khi đâu đó còn rất nhiều người mẹ mới sinh phải vật lộn với những thay đổi về thể chất, về tâm sinh lý. Trong khi, bản thân những người mẹ ấy không biết thứ họ đang đối mặt rất có thể là “trầm cảm sau sinh”.
Và nó có thể trở nên vô cùng nguy hiểm nếu không được hiểu rõ.
Có một sự thật đáng buồn rằng trầm cảm sau sinh vẫn chưa được quan tâm đúng mức ở Việt Nam. Hiểu biết chung của đa số mọi người còn giới hạn, ngay cả các sản phụ, mẹ bầu và người thân của họ.
Ở vị trí một người từng đối diện với trầm cảm sau sinh, mình có thể hiểu phần nào những gì một người lần đầu làm mẹ phải trải qua. Dù chi tiết câu chuyện của mỗi người khác nhau, những người phụ nữ này đều gặp nhau ở một điểm chung, đó là nhu cầu được thấu hiểu và cảm thông.

Câu chuyện của T
Trầm cảm sau sinh như một chiếc bóng. Có thể len lỏi vào bất cứ đâu, bất cứ lúc nào. Khéo léo ẩn mình dưới những hình dạng khác. Khiến chúng ta mất cảnh giác, nhầm lẫn thành những trạng thái tinh thần khác. Mà không nhận ra bản chất của nó chính là trầm cảm sau sinh.
Dù đã nghe nhiều trước đó, lần đầu tiên mình cảm nhận rõ sự hiện diện của trầm cảm sau sinh trong cuộc sống, là khi một người bạn của mình trải qua điều đó.
Khi T sinh em bé, mình đang du học. Dù không ở Việt Nam, mình vẫn được cập nhật tình hình sinh đẻ của bạn. T sinh thường thuận lợi. Mẹ tròn con vuông. Hai mẹ con ra viện ngay ngày hôm sau.
T thuộc típ các mẹ trẻ hiện đại, không thực hành kiêng cữ kiểu truyền thống. Vừa mới sinh bạn vẫn tắm gội bình thường, mặc đồ cộc dù lúc đó là mùa đông. Thể chất của T ổn định và phục hồi tốt. Mấy đứa trong cùng nhóm bạn của mình đều phải ngưỡng mộ.
Khoảng 1 tháng sau sinh, một hôm, T gọi messenger cho mình, nói rằng sẽ dùng thuốc cắt sữa. Bạn không muốn cho con bú nữa. Em bé trộm vía háu ăn mà sữa mẹ không về kịp đủ cho bé ăn. Bé còn bị sai khớp ngậm vì ti mẹ ngắn, mỗi lần cho bú hai mẹ con lại vật lộn. Đến giờ đói là bé cáu gắt, gào khóc vì không được cho ăn đúng ý.
T đã thử các cách để gọi sữa về mà không có tác dụng. Bạn còn đi xin sữa của các mẹ khác nhưng cũng không có. Thử dùng trợ ti cũng không ăn thua... Em bé cứ đến giờ ăn là khóc gào rất to khiến mẹ vô cùng căng thẳng.
Lúc đó, như nhiều người chưa lập gia đình, chưa có con, chả có tí kinh nghiệm nào, lúc đó, mình chỉ biết khuyên T hãy thử thêm lần nữa. Đổi các phương pháp để cải thiện tình hình. Hoặc cố gắng kiên nhẫn và suy nghĩ tích cực hơn.
Ban đầu, mình chỉ nghĩ - như rất nhiều người thông thường nghĩ - T có lẽ chưa quen với cuộc sống mới của một người mẹ, nên có chút hoang mang lo lắng.
Tuy nhiên, sau một vài cuộc điện thoại, mình nhận ra trong giọng T có sự hoảng loạn và tuyệt vọng. Không đơn giản là những lo lắng thường thấy hàng ngày.
Bạn khóc và nói rằng không có cách gì cả. Bạn cảm thấy không kết nối được với em bé. Em bé không chịu bú mẹ. Bạn thấy em bé không giống mình. Như thể đó không phải là em bé do bạn sinh ra.
Khoảnh khắc ấy, một tia sét lóe lên trong đầu. Thứ T đang đối mặt không phải là sự bối rối đơn thuần của một người lần đầu làm mẹ. Đó là trầm cảm sau sinh.
Mình không thể bay về Việt Nam để trực tiếp ở bên giúp đỡ T. Nhưng vài người bạn khác trong nhóm thường cố gắng tranh thủ thời gian qua thăm T, trò chuyện hoặc đỡ đần lặt vặt cho hai mẹ con.
Thời gian ở cữ, hầu như T chăm sóc em bé một mình. Bà ngoại ghé qua giúp đến tầm trưa thì về. Bố em bé đi làm tới tối. Những lúc còn lại trong ngày, nếu như không có bạn bè qua chơi, hai mẹ con chỉ có một mình.
Ở thời điểm hiện tại ngồi viết những dòng này, khi đã có em bé, trải qua thời kỳ chăm sóc con sơ sinh, mình mới hiểu T đã trải qua những cảm xúc thế nào. Khoảng thời gian chỉ có hai mẹ con trong bốn bức tường đó thực sự dài như vô tận.
Giữa những hồi khóc không ngừng của con, bạn bị giằng xé bởi hàng trăm luồng suy nghĩ chồng chéo. Giữa lúc con ngủ say trong khoảng không mênh mông tĩnh lặng, bạn cũng trôi nổi lênh đênh trong hàng ngàn cơn sóng nghĩ suy.
Nếu như bạn lần đầu làm mẹ, và không có một ai để bạn nương tựa về tinh thần, cô đơn và bất lực sẽ là những cảm xúc duy nhất bủa vây lấy bạn.
Cuối cùng, T đã quyết định uống thuốc cắt sữa. Bạn chỉ đơn giản xuống hiệu thuốc, hỏi mua vài liều, uống, và chấp nhận từ những ngày sau con sẽ ăn sữa ngoài.
Khi biết tin, mình thấy nhẹ lòng.
Vì sao ư? Vì ít nhất, thứ thuốc bạn tìm mua và uống là thuốc cắt sữa. Và vì sao nữa? Vì từ đó T không còn cảm thấy áp lực. Tinh thần thoải mái hơn, bạn cảm thấy gắn kết với em bé hơn. Em bé hợp tác ăn sữa ngoài, tăng cân đều, phát triển bình thường.
Đương nhiên, mình không cổ súy hay bênh vực việc bạn mình tự ý sử dụng thuốc cắt sữa. Đó là một câu chuyện khác.
Ở đây, mình chỉ muốn nói rằng mình mừng vì T đã tìm ra cách thoát tình trạng của bạn khi nó chưa quá nguy hiểm. Và dù đó không hẳn là cách làm tốt nhất, điều quan trọng là nó không ảnh hưởng tới sức khỏe hay tính mạng của cả hai mẹ con.
Nhưng ngoài kia, có bao nhiêu người mẹ trẻ lựa chọn những cách cực đoan để thoát khỏi trầm cảm sau sinh? Đó có phải là cách họ mong muốn? Và liệu họ có luôn luôn đáng trách hay không?

Câu chuyện của mình
Mình chưa từng nghĩ trầm cảm sau sinh, hay bất cứ dạng trầm cảm nào khác, có thể xảy đến với mình. Bởi mình là một người hướng nội. Mình quen giải quyết mọi vấn đề từ bên trong. Mình tin rằng dù có chuyện gì xảy ra, cơ chế “tự sạc năng lượng” cũng sẽ giúp mình vượt qua hết.
Nhưng điều đó chỉ đúng một phần. Và việc mình hướng nội hay hướng ngoại cũng không liên quan. Vì trầm cảm sau sinh vẫn tìm đến với mình.
Vào chính lúc ấy, mình không nhận ra nó đến. Mình không biết bản thân bị làm sao. Và trong đầu có hàng ngàn câu hỏi. Sao mình lại có những suy nghĩ này? Mình sao thế nhỉ? Sao mình không làm được như mọi người? Sao những chuyện này lại xảy đến với mình? Sao tất cả mọi chuyện đều tồi tệ như vậy?
Mình đã có nhiều suy nghĩ và hành động ảnh hưởng tới em bé. Mà đến giờ phút này nghĩ lại, mình thực sự ân hận và thấy có lỗi với con.
Mình đã khóc rất nhiều. Đang chơi với con mình cũng khóc. Mình cố gắng để không khóc vì sợ sẽ ảnh hưởng đến con. Nhưng không thể ngăn được bản thân cứ thế òa khóc. Mình cáu gắt và khó chịu với mọi thứ. Rất dễ bùng nổ chỉ vì những điều nhỏ nhặt. Trong đầu hoàn toàn là những suy nghĩ u ám, bế tắc.
Đã hơn một lần mình nghĩ tới cách giải quyết tiêu cực nhất.
Đỉnh điểm, một lần giữa đêm, khi mãi mà không thể dỗ con ngủ, mình đột nhiên hét lên và gào khóc rất to. Mình cứ thế vừa gào vừa khóc mà không hiểu tại sao. Như thể ngọn núi lửa bất ngờ phun trào. Đột ngột. Không có dự báo.
Khoảnh khắc ấy, tâm trí mình như tách làm hai. Một nửa gần như phát điên liên tục khóc gào mất kiểm soát. Một nửa hoảng sợ chính bản thân và cố gắng tìm cách tự trấn an. Thậm chí trong một giây, mình đã nghĩ bị ma nhập. Mình đã gần như tin rằng nhà mình có ma. Và nó đang điều khiển mình làm những việc điên rồ.
Mình đã gào khóc như thế trong khoảng hai phút. Cũng có khi lâu hơn. Với em bé ở ngay bên cạnh.
Trong suốt khoảng thời gian đó, rất nhiều lần mình đã định tìm tới bác sĩ tâm lý nhờ tư vấn. Mình thậm chí đã tải app bác sĩ online, vào danh mục bác sĩ tâm lý và lựa chọn một bác sĩ mình cảm thấy có thể tin tưởng. Rồi đến phút cuối mình lại không đăng ký. Cho đến bây giờ, mình vẫn chưa từng tư vấn qua một bác sĩ tâm lý nào.
Có vài lần, mình cũng thử chia sẻ những gì mình đang gặp phải cho một vài người bạn. Hầu hết không ai hiểu điều mình muốn nói. Hoặc có thể họ không muốn hiểu. Đa số đều khuyên mình nên thế này phải thế nọ. Hoặc lái suy nghĩ của mình theo hướng của họ.
Sau một vài lần chia sẻ và cảm thấy không được lắng nghe, mình không còn nhắc tới chuyện của mình nữa.
Thật lòng, mình có buồn và thất vọng. Nhưng biết rằng không thể trách các bạn. Thật khó để chúng ta hiểu được câu chuyện hay hoàn cảnh của nhau. Và điều quan trọng là phần lớn mọi người chưa ý thức nhiều về trầm cảm sau sinh. Có thể các bạn thực sự không biết điều mình đang trải qua là gì.
Đó cũng chính là lý do mình muốn tạo nên bài viết này. Mình mong mọi người có cái nhìn đúng đắn hơn về trầm cảm sau sinh nói riêng và những vấn đề về sức khỏe tâm thần (mental health) nói chung.
Đôi khi, chỉ cần chúng ta đặt mình vào vị trí của người khác để quan sát, lắng nghe một chút, cảm thông một chút, những thay đổi tạo ra có thể rất lớn. Đó thậm chí là những thay đổi đối với cả một đời người…
Trong kỳ tới: những điều có thể bạn chưa biết về trầm cảm sau sinh
Ở phần đầu này, mình mới chỉ chạm đến một góc rất nhỏ làm tiền đề cho những điều mình muốn chia sẻ với bạn về trầm cảm sau sinh.
Trong những phần sau của bài viết, mình sẽ gửi tới bạn một số kiến thức cơ bản về trầm cảm sau sinh. Cùng với đó là những cách hữu ích giúp bạn phòng tránh, đối diện và vượt qua tình trạng này.
Cảm ơn bạn đã ghé thăm Heart From Marley. Nếu bạn thấy bài viết hữu ích, hãy giúp mình chia sẻ rộng rãi tới bạn bè và người thân của bạn. Biết đâu, một ai đó có thể đang rất cần những điều này.
Chúc bạn một ngày bình an!
From Marley with heart
P.S: Một chút cập nhật – Phần 2 và Phần 3 của bài viết đã được đăng tải. Mời bạn theo dõi để hiểu thêm về nguyên nhân gây trầm cảm sau sinh cũng như biện pháp phòng tránh và vượt qua tình trạng này.
*Bản quyền bài viết thuộc về tác giả. Bạn vui lòng ghi rõ nguồn nếu muốn đăng tải hoặc trích dẫn một phần hoặc toàn bộ bài viết. Chi tiết về bản quyền xem tại đây.
Commentaires